Chương XI
PHÁP CHIẾM LẤY BẮC KỲ Lần thứ hai (1882) 1. Đại tá Henri Rivière ra Hà Nội: Người Pháp có giấy thông thương … Bị giặc Khách chận trên đường Vân Nam. Pháp bèn bắt lỗi Việt Nam Thống đốc Vilers mới làm tấu thư:
“Nước Pháp chẳng thể chần chừ Nên dùng binh lực mà trừ loạn đi”. Tháng hai, Nhâm Ngọ, Henri Gởi thư đến Huế ra ni bực mình.
“Luật vua xem chẳng còn linh Bắc Kỳ loạn lạc, triều đình ngó lơ. Đi đâu cũng khó khăn ghê Quan Huế thất lễ với bề Rheinart.
Nay Pháp chẳng thế làm ngơ Bảo vệ quyền lợi chẳng chờ đợi lâu”. Mang trăm lính, hai chiếc tàu Henri cùng hẹn gặp nhau Hải Phòng.
2. Hạ thành Hà Nội lần thứ hai (1882): Đãi đằng tử tế cho xong Tổng đốc Hoàng Diệu hờ phòng thực hư. Đại tá sắp kế đã dư Cho nên gởi tối hậu thư tới thành.
Tám giờ, quân Pháp đánh nhanh. Ba tiếng sau đã lấy thành như chơi. Quan ta bỏ chạy rối bời Tổng đốc Hoàng Diệu chịu lời đắng cay.
Thắt cổ chết, rạng mặt mày Hơn Tôn Thất Bá mặt dày trốn xa. Để đời khúc “Chính khí ca” Ai hay dở đã phân ra rõ ràng!
Dực Tông triệu tập vội vàng Kinh lược Nguyễn Chính, phó quan họ Bùi. Mau mau tìm cách mà lui Về thủ Mỹ Đức chịu lùi địch xa.
Rheinart khâm sứ phân qua: “Tình thật chẳng muốn đánh Hà Nội đâu. Vậy thời lấy lại cho mau Thành trì còn đó chớ đâu mất gì!”.
Triều đình nghe nói chẳng suy Sai Trần Đình Túc vội đi nhận thành. Pháp chơi “mèo-chuột” đã đành Triều đình ngu muội mới thành tội nhân!
Hai lần lấy, trả hai lần Trước khi đớp chuột, mèo vần chuột chơi! Trả thành, Pháp đóng khơi khơi Qua lời thương nghị lòi đuôi cáo già:
*Pháp phải bảo hộ nước ta *Hà Nội lập tức nhường qua Bắc Kỳ. *Pháp đặt thương chính tức thì *Nước Nam phải sửa những gì tả tơi.
Giao quyền Pháp quản tức thời Triều đình hiệp hội trả lời rằng:”Không!”. Trần Đình Túc nhiệm vụ xong Hà Ninh Tổng đốc, nhận phong, Độ vào.
3. Việc cầu cứu nước Tàu: Triều đình bị ép đã chao Nhưng trong tâm não trọng cao nước Tàu. Sai Phạm Thận Duật mau mau Cầu Tàu phương sách làm đầu, thói quen.
Ỷ Tàu với lại Cờ Đen Ấm đầu cứ việc… ho hen, họ vào. Cho nên rát họng kêu gào Ngỡ đâu nếm mật chớ nào thấy chanh!
Tổng đốc Lưỡng Quảng: Thụ Thanh Mượn cớ đánh Pháp để giành nước ta. Đóng quân phía Bắc Hồng Hà Kính Bưu, Diên Húc, quan nha Cảnh Tùng.
Bắc Ninh, quân tiến ung dung Quảng Tây, Bố Chánh cũng cùng chạy qua. Chủ nhà nuôi… hổ trong nhà Tha về…beo nữa để mà hại dân!
4. Quân Pháp lấy Nam Định (1883): Pháp muốn thu xếp dần dần Công việc bảo hộ đỡ phần chiến tranh. Nhưng còn lính của nhà Thanh Tràn sang các tỉnh, Pháp đành phản công.
Vilers thay bởi Thomson Tấn công Nam Định hẹn trong nửa ngày. Henri kéo lính bao vây Vài trăm tên giặc trong tay súng đồng.
Triều đình đã trả lời: “Không” Cho nên Nam Định mất trong Quý Mùi. Trọng Bình, tổng đốc trốn chui Đề đốc tử, Án sát lui chốn nào?
5. Đại tá Henri Rivière chết (13-4-1883): Vừa khi Pháp tiến, Tàu vào Bắc Ninh, Tổng đốc ra mào thế công. Giốc Gạch, tổng, phó đứng trông Chực đánh Hà Nội chưa công đã lùi.
Berthe, đại uý đánh vùi Bắc Ninh Tổng đốc, tướng Bùi Ân Niên. Thấy quân Pháp đã tiến binh Nhưng tin Tàu chịu chi binh giúp mình.
Lui về mà giữ Bắc Ninh Kế Viêm, tiết chế rập rình đợi cơ. Cờ Đen – Vĩnh Phúc đang chờ Đóng phủ Hoài Đức dễ bề đánh Tây.
Nam Định đã ở trong tay Henri kéo lính dong ngay Bắc Kỳ. Cầm binh khinh địch, kiêu kỳ Phục binh Cầu Giấy tức thì… bắn bia.
Bị thương: Đại úy Villers Cờ Đen – Vĩnh Phúc, không dè lập công. Non trăm mạng tử thương vong Henri Rivière đi không thấy về.
Lục quân thiếu tướng Bouet. Được binh khiển tướng lấy le Bắc Kỳ. Courbet thiếu tướng cũng đi Chiến thuyền tiếp ứng, Paris lệnh truyền.
Harmand ra Bắc toàn quyền. Hải, Hà, Nam Định lại liền sửa sang. Georges mộ lính cờ vàng Cho theo binh Pháp vào hàng tiền quân.
Quân ta đánh Pháp tưng bừng Trứng chọi với đá vang lừng chiến công. Yêu nước nhưng chẳng đồng lòng Đánh không thống nhất mà hòng thắng ai!
Giáo gươm chống đạn quá tài Quân không luyện tập hằng ngày, phải thua! Lãnh sự Thành Ý bị xua Phe ”hòa”, phe ”chiến” hơn thua… lớp rùa!
Rối ren, đất nước te tua Dực Tông bệnh mất, tuổi vừa năm lăm. Ngôi vua trụ băm sáu năm Mười sáu, tháng sáu nhằm năm Quý Mùi.
Chương XII CUỘC BẢO HỘ CỦA NƯỚC PHÁP 1. Sự phế lập ở Huế: Vua Hiệp Hòa 協 和 (1883): Nhà Nguyễn đã đến lúc xui Hết đời Tự Đức, trở lui mất quyền. Ngôi vua vẫn tiếp tục truyền Nhưng quyền chính trị mọi miền trống không.
Triều thần chuyên chế bên trong Tự Đức mắc bệnh, ngôi rồng tuyệt tông. Ba con nuôi được nối dòng Dục Đức, Dưỡng Thiện, Chánh Mông ruột rà.
Di chiếu cũng đã bàn qua: Dục Đức đức tính khó mà thánh quân. Vua chọn Dưỡng Thiện hiền nhân Nhưng mà nước loạn, vua cần tuổi cao.
Di chiếu: Phụ chính đương trào Đại thần đệ nhất tuổi cao: Tiễn Thành. Văn Tường: Phụ chính nhị danh Thứ ba: Thất Thuyết mà thành đại tam.
Ba ngày, Tường, Thuyết đã làm Đổi tờ di chiếu mới cam thỏa lòng. Phế vua Dực Đức cho xong Đem em tiên đế Dục Tông lập vì.
Triều thần chẳng dám nói gì Đình Phùng, Ngự sử tức thì cản ngăn: “Tự quân có tội gì chăng Chưa chi đã phế làm xằng được sao?”.
Tường, Thuyết quyền thế một trào Bắt giam rồi cách chức nào nể nang. Hiệp Hòa niên hiệu đăng quang Giảng đường, Dục Đức thì đang ngậm ngùi!
2. Quân Pháp lấy cửa Thuận An: Hiệp Hòa mới lập xong xuôi Harmand cũng đã theo đuôi Hải Phòng. Courbet, Bouet hội xong Phủ Hoài chiếm đóng ngoài trong sẵn sàng.
Courbet đánh cửa Thuận An Bắt nhận bảo hộ, mưu gian rõ ràng. Quân Pháp đang thắng Cờ Đen Tiến lui gặp lũ mới bèn đóng binh.
Hải Phòng, trung tá Brionval Đem lục quân đánh chiếm thành Hải Dương. Bouet đang thắng vẫn lường Điện Paris để xin đường viện chi.
Lục quân tiến đánh Bắc Kỳ Mục tiêu kế tiếp tức thì Thuận An. Ba ngày Trấn Hải vỡ tan Quan Trấn tử nạn, Nhẫn, Hoàng nhảy sông.
3. Hòa ước năm Quý Mùi (1883): Triều đình thấy sự chẳng xong Còn trông gì nữa mà không chịu đình. Harmand bắt phải giải binh Khâm sai Đình Túc đi xin nghị hòa.
Quý Mùi, tháng bảy, hăm ba Hòa ước của việc ”bán nhà”, lập mau. Harmard với De Champeaux Trọng Hợp, Đình Túc bốn… đầu kết cam.
Hăm bảy điều khoản tham lam: *Nước Pháp bảo hộ nước Nam rất dài. Nước Nam giao thiệp với ai Phải do Pháp cấp lệnh bài được, không!
*Bình Thuận nay thuộc đàng trong Đèo Ngang, Pháp đóng ngoài vòng Thuận An. * Còn phần đất từ Đèo Ngang Khánh Hòa đổ lại, vua quan triều đình.
*Khâm sứ Pháp được sự sinh *Pháp đặt Công sứ an ninh Bắc Kỳ. Ký xong, hòa ước gởi đi Paris lược duyệt mà tùy thực thi.
4. Việc ở Bắc Kỳ: Hòa ước bán nước, vinh chi Kêu quân mình lập tức thì bỏ đao. Thượng thư Bộ Lại đương trào Là Nguyễn Trọng Hợp: Áo bào khâm sai!
Phong chức Công Bộ làm cai Cho Văn Chuẩn: Phó khâm sai Bắc Kỳ. Thêm khâm sai phó: Hồng Phì Cùng nhau ra Bắc chiêu nghì vỗ an.
Non nhà đại nạn lầm than Chia năm, xẻ bảy, gian nan não nùng! Còn ai ngồi khóc cha chung Còn ai phụng chỉ cúc cung triều đình?
5. Vua Hiệp Hòa bị giết (1883): Triều đình Huế lại rung rinh Nhờ sách bảo hộ cho mình vững ngôi. Triều thần chẳng chịu nước đôi Thuyết Tường chuyên chế, vua, ngôi chẳng bền.
Hiệp Hòa thấy vậy, cho nên Thượng thư Binh Bộ chuyển lên Văn Tường. Thuyết đang Binh Bộ đường đường Chuyển sang Lại Bộ coi dường mất uy.
Thấy vua lòng đã sinh nghi Để lâu thành vạ, bỏ đi được rồi. Thuyết Tường mưu sự hẳn hoi Trình qua thái hậu hạ hồi phế đi.
Thái hậu nào dám nói gì Con út Dưỡng Thiện lập vì mới xong. Hiệp Hòa cái ách tự tròng Dám vuốt râu cọp, đụng lông hai người.
Thuyết, Tường nào dễ trêu ngươi Mượn ”lưới” thái hậu bắt người Đế Vương! Nhốt vào Dục Đức giảng đường Cho uống thuốc độc, coi thường sử xanh.
Thấy quan Phụ chánh Tiễn Thành Không theo như ý, đem hành quyết luôn! Hiệp Hòa bốn tháng lệ tuôn Cơ ngơi chưa vững, hết tuồng, hóa ma.
6. Vua Kiến Phúc: 建 福 Dưỡng Thiện được chọn cho qua Niên hiệu Kiến Phúc, huý là Ưng Đăng. Mười lăm tuổi biết đâu rằng Chỉ là con rối trong băng Thuyết, Tường!
Bắc Kỳ, quân giữ mấy phương Sơn Tây binh mã tướng Hoàng Kế Viêm. Bắc Ninh: Quang Đản ngày đêm Cùng Tàu chống Pháp là điềm họa to.
Khâm sứ Pháp Huế trách cho Rút quân, Tường, Thuyết phải lo liệu lường. Các quan người mỗi con đường Người về, kẻ bỏ quan trường chạy đi.
Nước nhà gặp buổi sinh ly Triều đình chẳng có tay chì đảm đương. Văn Hòe tri phủ Kiến Xương Vụ Mẫn bỏ chức, về vườn họa may.
Thiện Thuật quân vụ Sơn Tây Về quê chống Pháp vùng này: Hải Dương. Nam Định, Đề đốc quan lương Theo Tàu chống Pháp, núp… tường nhà Thanh.
7. Sự đánh lấy các tỉnh ở Bắc Kỳ: Harmand lập lính khố xanh Thêm đội tuần cảnh coi canh Bắc Kỳ. Cờ vàng Bouet thị phi Harmand ra lệnh bỏ đi chẳng dùng.
Cờ Đen chận đánh đồn Phùng Thiếu tướng Bouet lại cùng đánh nhau. Toàn quyền, Bouet hợp đâu Paris, thiếu tướng xin mau trở về.
Lục quân trao lại Bichot Ninh Bình, đại tá đi lo lấy thành.
8. Lấy Sơn Tây: Hai bên chiến sự giao tranh Toàn quyền thiếu tướng Harmand phải về. Bắc Kỳ thiếu tướng Courbet Toàn quyền quyết định mọi bề trị an.
Thiếu tướng còn đang sửa sang Quân ta tiến đánh, đốt càn Hải Dương. Quan Pháp sự cố bất tường Tỉnh thần tòng phạm, đày đường Côn Lôn.
Viện binh từ Pháp tinh khôn Thủy, Bộ hai lộ gian ngôn tớ thầy. Chín ngàn quân Pháp bủa vây Chia làm hai đạo Sơn Tây đánh vào.
Cờ Đen, Tàu, lính, ôi chao Mười sáu ngày đánh thì vào thế lui. Súng Pháp bắn đạn như vùi Mạn ngược rút chạy thụt lùi mới xong.
9. Lấy thành Bắc Ninh: Quân Tàu càng mạnh, càng đông Thiếu binh, Pháp lại chờ trông mỗi ngày. Hàng ngũ tướng Pháp… chia tay Tướng Millot thế quan thầy Courbet.
Được binh, Pháp mới hăm he Quân Tàu đe một, Pháp đe tới mười. Quân một vạn sáu nghìn người Hai Lữ, mười pháo nuốt tươi Hải Hà.
Bắc Ninh – Hà Nội: Tàu, ta Thống tướng Millot mới ra lệnh liền: Sông Hồng, Brière vượt biên De Négrier qua liền Bắc Ninh.
Sáu ngày đánh hết sức mình Quân Tàu bỏ mặc Bắc Ninh, rút về. Thái Nguyên, thiếu tướng Brière Đánh lên Yên Thế lầy về dễ không.
10. Lấy Hưng Hóa: Quân Pháp tiến đến mạn sông Tuyên Quang, Hưng Hóa còn trông nỗi gì? Lữ đoàn thứ nhất ra đi Sơn Tây, Hưng Hóa rồi thì Đà Giang.
Hai bên khởi sự đánh càn Lữ đoàn nhì lại hiệp đàng với nhau. Cờ đen hợp với quân Tàu Đốt cả phố xá, quay đầu chạy ngay.
Kế Viêm binh rút cùng ngày Theo đường thượng đạo về ngay kinh thành. Pháp chiếm Hưng Hóa, vội nhanh Coronnat dẫn lính phá banh đồn Vàng.
11. Lấy Tuyên Quang: Cờ đen đang đóng Tuyên Quang Millot đường thủy dò đàng Lô Giang. Hưng Hóa, Duchesne quân sang Việt Trì xuất phát, Tuyên Quang giặc tràn. Một giờ chiến đấu hiên ngang Cờ đen thất thế vội vàng thoát thân.
12. Hòa Ước Fournier: Giáp Thân (1884-1814) Cao Bằng, Tàu chẳng rút chân Còn Lao Kay với một phần Lạng Sơn. Pháp bèn tính chuyện thiệt hơn Sai Fournier gặp Hồng Chương nghị hòa.
Đôi bên thỏa thuận mọi bề Coi triều đình Huế ”con cờ” trong tay! Nước Tàu mới rút quân ngay Nước Nam chính sự hằng ngày, Pháp coi.
Thấy ngay mưu sự cầu ngoài Mưa lâu ướt đất, chuột lòi mặt mo! Cờ Đen đánh Pháp công to Coi như bỗng chốc ra tro, mất hình…
13. Hòa ước Patennôtre tháng 5 năm Giáp Thân (5-1884): Công sứ Pháp ở Bắc Kinh Patennôtre tảo trình phía Nam. Paris điện khẩn phải làm Ra Huế sửa lại kết cam Quý Mùi.
Mười chín điều khác chút thôi Tường, Tôn, Thận Dật lần hồi ký qua. Bình, Hà, Thanh, Nghệ tính ra Bốn tỉnh này thuộc phần ta, Trung Kỳ.
Ấn Tàu bắt nấu chảy đi Từ nay nước Pháp bảo trì Việt Nam. Cống Tàu, người Việt không làm Giáp Thân, hiệp ước hòa đàm cáo tri.
Pháp đô hộ cả ba kỳ Triều đình Huế chỉ hư vì vậy thôi! Việt Nam bị bổ ra rồi ”Tam phân, ngũ liệt” thiệt thòi trăm năm.
Còn đâu lịch sử nghìn năm Non sông thấm máu thăng trầm, xót xa!
14. Việc triều chính ở Huế: Triều đình cũng chẳng nhận ra Do đâu mà có vạ ta, vạ mình? Làm ra chuyện loạn triều đình Là hai phụ chính Thuyết, Tường hổ ngươi.
Thất Thuyết nóng nảy, tài bươi Đa nghi, chém giết khiến người hãi kinh! Văn Tường giỏi chữ, trớ trinh Giao thiệp khôn khéo, tính tình tham gian.
Nguyễn Văn Tường nắm hàng văn Thất Thuyết nắm võ khăng khăng mọi đường. Hoàng thân, quốc thích, quan trường Ai sai, trái ý, chỉ đường chết thôi.
Thuyết dùng nghi vệ vua tôi Mộ quân phấn nghĩa tới hồi dụng sau. Tường thì hối lộ làm đầu Tiền sềnh giặc Khách từ Tàu đúc qua.
Tiền thời Tự Đức mà ra Đã mỏng, lại xấu bắt ta phải xài. Không tiêu phải tội dài dài Vua còn nhỏ tuổi, quan ai dám bàn?
Hai ông cậy thế làm càn Chuyên quyền cho lắm, tông đàng đảo điên. Triều ca, vua đổi liên miên Không bị ép thuốc, cũng liền chết không.
Ai gan dám chống hai ông Là vua cũng chẳng mà hòng sống đâu! Hiệp Hòa bị giết ít lâu Đến phiên Kiến Phúc theo sau, dứt trần.
Tháng tư, mồng sáu Giáp Thân Kiến Phúc bệnh mất, nghiệp trần hết vương. Sự tình, sử chép hai đường: Mắng Tường mới bị Văn Tường… thuốc tiêu!?
15. Vua Hàm Nghi: Thuyết, Tường sinh sát toàn triều Vua mười hai tuổi sáng chiều lập xong. Ưng Lịch, em của Chánh Mông Hàm Nghi lấy hiệu mà không biết gì.
Rheinart, tư giấy có ghi: Nam triều vua mới lập thì báo ngay. Thuyết Tường tự tiện như vầy Khâm sứ thấy vậy thư tay Bắc Kỳ.
Thống tướng Millot ra uy: Guerrier với quân đi chịu phiền. Sáu trăm quân, pháo dàn hiên Bắt triều đình Huế… cảm phiền tấu xin.
Chữ Nôm giấy phép đệ trình Thuyết, Tường đem gởi dinh Khâm sứ liền. Rheinart phép tắc xỏ xiên Chữ Nôm kia phải làm phiền chuyển Nho.
Bấy giờ, Khâm sứ mới cho Chính điện mở cửa, lò dò tấn vương. Rượu phạt uống thấy mà thương Lên gân, xuống cốt mọi đường nhục gia.
Chương XIII CHIẾN TRANH VỚI NƯỚC TÀU 1. Trận Bắc Lệ: Hòa ước Tàu – Pháp ký qua Lao Kay, Cao, Lạng nhả ra để hòa. Quân Tàu biết vẫn xuê xoa Ở đồn Bắc Lệ, Pháp xa bắn vào.
Sáu ngày xin hoãn xem sao Dugenne không chịu, ra mào đánh nhau. Đánh cho tới sáng hôm sau Tàu vây bốn mặt, Pháp mau rút về.
Millot sai tướng Négrier Bốn đội bộ, pháo sang bờ cứu binh. Đong đo tiếp ứng tình hình Négrier được triệu chờ binh nhập thành.
2. Đánh Phúc Châu và vây Đài Loan: Bắc Kỳ, Tàu đánh, tin nhanh Lanh tay, Pháp lệnh vây thành Phúc Châu. Hai trăm rưỡi triệu, trả mau Đài Loan bị đánh kéo nhau nghị hòa. Hòa ước Ất Dậu thông qua Tàu thua nhượng bộ, Pháp ra trả thành.
3. Trận Đồn Chũ, và đồn Kép: Bể Đông, Pháp bắn tan tành Quân Tàu Đông – Quảng sang tranh Bắc Kỳ. Viện binh Pháp chẳng thấy chi Millot cáo bệnh mà đi trở về.
Viện binh hai vạn dưới cờ Chia ra bốn đạo cùng chờ phản công. Servière một đạo mạn Đông Doninier một đạo vượt sông tới Đầm.
Lạng Thương, Négrier đăm đăm Mibielle, Bảo Lạc ngấm ngầm trợ chung. Quân Tàu lính rụng như sung Quân Pháp, thương tật, tử cùng ngót trăm.
Đông Bắc, Tàu rút mất tăm Duchesne kế tiếp là tầm Tuyên Quang. Cờ đen cứ địa cần san Berger với lính trấn đàng Thái Nguyên.
4. Trận Yên Bạc: Quân Tàu đóng ở Quảng Yên Đến tháng mười một, xuống miền An Châu. Thiếu tướng De Né theo sau Trận đầu Núi Bóp giết Tàu sáu trăm.
5. Lấy thành Lạng Sơn: Ngàn viện binh Pháp lăm lăm Thêm quân hai đạo hướng nhằm Lạng Sơn. Quân Tàu đóng giữ hết trơn Pháp dùng kế đánh khôn hơn: Ngang hàng.
Tức là Đồn Chũ đánh ngang Tuần Muội đánh lại vào đàng Đồng Sơn. Quân Tàu thanh thế đã sờn Hết đường rút chạy mới vờn Lạng Sơn.
Hai bên giao chiến thiệt hơn Lạng Sơn, Pháp chiếm rửa hờn Đồng Đăng. Quân Tàu hai ngã chạy phăng: Thất Khê với lại Nam Quan chạy về.
Ất Dậu, thiếu tướng De Négrier Phá Ải Quan mới rút về Lạng Sơn.
6. Thành Tuyên Quang bị vây: Khi Pháp đánh ở Lạng Sơn Cờ đen, Tàu mạn sông Hồng, Lô Giang. Bấy giờ, kéo đánh Tuyên Quang Quân chia hai đạo hiên ngang phá thành.
Dominé vừa thủ, vừa canh Ngoài công, trong thủ bất thành thắng thua. Lạng Sơn, Pháp lấy như đùa Binh lên cứu viện được mùa phản công.
Ất Dậu, lính Pháp vượt sông Đoan Hùng diễn trận, Tàu không được gì.
7. Mất thành Lạng Sơn: Quảng Tây, đề đốc thị uy Từ Long Châu dẫn binh đi cứu mình. Đồng Đăng, hai mặt giáp hình Hao binh tổn tướng muôn tình khó khăn. Phùng Tử Tài, thế đương hăng Rút binh, Pháp bỏ một đằng Lạng Sơn.
7. Hòa Ước Thiên Tân 24-4 Ất Dậu (1885): Bấy giờ, Pháp tính thiệt hơn Lạng Sơn bỏ lại, lính chờn hết đi. Thủ tướng Jules Ferry Từ chức xoa dịu phẩn bi thế tình.
Sứ thần Pháp ở Bắc Kinh Patenôtre lập ước trình chiến chinh. Thay chức và viện trợ binh: Thống đốc sự vụ dân tình: Courcy.
Tham mưu tổng trưởng Warnel Thiếu Jamont với tướng Prudhommè. Tàu theo hòa ước, rút về Hồng Chương ký ước hai bờ kết cam:
Pháp hưởng quyền ở Việt Nam Thuyền Tàu vào cảng không làm khó khăn. Pháp trả cửa bể mặt bằng Tiền binh phí tổn, thì rằng miễn chân.
Ngay hôm hòa ước Thiên Tân Courbet trung tướng mất gần Đài Loan.
Chương XIV LOẠN Ở TRUNG KỲ 1. Thống Tướng De Courcy vào Huế: (18-4-1885 Ất Dậu) Pháp bảo hộ, lắm tính toan Quan nhà sức mọn, vẫn còn đánh Tây. Ở Huế, Tường, Thuyết hằng ngày Triều đình thao túng, gió mây mọi đường.
Dục Đức chết thật thê lương Hầm giam tăm tối, đói xương rã tàn. Chết rồi, Tường, Thuyết vu gian: Thông mưu với giặc ra màn diệt thân.
Lập đồn Tân Sở hậu thân Chở ra Cam Lộ châu trân chất đầy. Nói là phòng để mai này Quân binh ra đó còn ngày chống Tây.
Đánh Pháp, ý định đã đầy Đại bác, Pháp bắt dẹp ngay cổng thành. Thiên Tân hòa ước với Thanh Courcy thống tướng ra nhanh Bắc Kỳ.
Năm trăm quân tới thị uy Bắt triều đình Huế thực thi ước hòa. Khâm sứ Pháp De Champeaux Cùng hai quan lớn theo nhau đón đàng.
Chào hàng ở cửa Thuận An Hôm sau, Thống tướng triệu quan Thuyết, Tường. Sang dinh bàn việc kiến vương Tức là yết kiến cung đường Hàm Nghi.
Thuyết, Tường lừng lẫy uy nghi Thấy thống tướng vậy, giận ghi ở lòng. Cựu thần nói chuyện nho phong: Thuyết văn, tướng võ dáng trông chẳng hùng.
Đầu trọc, người béo, đen mun Đi không chững chạc, giao dung chẳng sành. Xưa nay, cậy thế với danh Hiếp người, chém giết tam bành lấy oai.
Chừng như đối đáp người ngoài Trong bụng sợ khiếp nên oai nuốt vào. Tường kia giao thiệp, mưu cao Một mình phó hội “bàn đào” Courcy.
Thuyết viện cớ bệnh không đi De Courcy bảo bệnh gì cũng khiêng. Sợ uy quan Pháp tới phiên Nhân động đất nghĩ trời liền khiến đây.
Thuyết bèn sửa soạn đánh Tây Pháp bắt mở cửa quan thầy Pháp vô.
Triều đình thấy Pháp xử thô Bắt mở cửa chính, hàm hồ, lố lăng. Trái điều quốc thể nên chăng Thống sứ không chịu, gạt phăng trở về.
2. Triều đình chạy ra Quảng Trị: Hôm sau, Cơ mật viện chờ Bên dinh Khâm sứ định bề chính, bên. Courcy không tiếp, chẳng lên Thái hậu tặng phẩm, kiêu kênh chẳng cần.
Courcy khinh mạn muôn phần Triều thần ngơ ngác thấm dần trẽn trơ. Thất Thuyết tức giận mới thề Sống chết một trận cũng nhờ trời đây.
Nửa đêm, Mang Cá đạn bay Dinh Khâm sứ, pháo cũng cày cháy lan. Chiều hôm, thống sứ tiệc tan Vừa nghe súng nổ, lính quan rụng rời.
Nhà xung quanh cháy rực trời Quân Pháp ráng giữ chờ thời sáng ra. Sang ngày qua tới hăm ba Pháp bèn công phá, quân ta chạy nhầu.
Văn Tường vào giữa điện tâu Xin rước Thái hậu tới đầu Khiêm Lăng. Tường chực sẵn, Thái hậu rằng: Lo thu xếp hẳn họa hằn cho xong.
Vâng lời, Tường ở lại trong Ngoài kia, Thất Thuyết ruổi rong một lòng. Xa giá đi tới Kim Long Lên chùa Thiên Mụ, Thuyết vòng đón lui.
Dân gian, già trẻ dập vùi Đàn bà, công tử ngậm ngùi oán thương. Dắt nhau chạy loạn mù sương Tìm phương sống tránh mọi đường súng dao.
Trường Thi, xa giá bôn đào Nghỉ một lát, Thuyết vội vào hối đi. Rằng Tây đuổi tới tức thì Sáng hăm bốn, những hiểm nguy bớt dần.
Quảng Trị, xa giá nghỉ chân Tuần phủ Quang Đản chia phần lính canh.
Lương, tiền, khí giới mất đành Quân vài nghìn vạn cũng thành bóng ma. Chín mươi sáu lính gọi là Bị thương với tử, so ra, Pháp lời.
3. Nguyễn Văn Tường ra thú: Pháp chiếm giữ khắp mọi nơi Các quan chẳng dám khơi khơi nhận mình. Nguyễn Văn Tường mới cậy xin Caspard Giám mục thú trình Courcy.
Thương bạc viện, chức vẫn y Đại uý Schmitz canh ky mỗi ngày. Thời hạn hai tháng trong tay Làm sao mọi việc yên ngay hãy làm.
3. Xa giá các bà Thái hậu về Khiêm Lăng: Văn Tường viết sớ kết cam Xin rước Thái hậu dân an cạn cùng. Hàm Nghi, Thái hậu tam cung Bị Thuyết canh giữ, sớ dưng chẳng tường.
Hàm Nghi rồi phải lên đường Lạy tạ từ mẫu sầu vương não nùng. Một giờ sau, chốn từ cung Thái giám lại chẳng đi cùng với vua.
Quảng Trị, tin tức thớt thưa Từ Dụ tiếp được tin đưa của Tường. Xin về Huế sống như thường Tìm vua chẳng biết vua dường ở đâu?
Thuyết thư về nói trước sau Rằng Tường đã thấy mưu cầu phản phe. Xin rằng chớ vội mà nghe Lời qua, tiếng lại e dè tính sao?
Văn Tường giục kíp hồi trào Thái hậu quyết định trở vào, chẳng ra. Quang Đản hộ giá bôn ba Khiêm cung, Tường rước các bà thỉnh an.
Khi Tường đi vắng, Thọ Xuân Được làm giám quốc, xóa luôn chức nhà. Thượng thư Binh Bộ Champeaux Được Courcy định để hầu bãi binh.
Tổng đốc Nam Định: Đình Bình Kinh lược: Hữu Độ cùng dinh Văn Tường. Coi chung Cơ mật viện thương Vì hai ông ấy làu thường mọi khâu.
Văn Tường, Hữu Độ chống nhau Nên Độ mới phải quay đầu trở ra.
5. Quân Cần Vương: Quảng Bình, hịch đã phát ra Bình Thuận, Thanh – Nghệ dân ta tỏ tường. Hưởng ứng hịch khắp mọi phương Nơi nào cũng có con đường đấu tranh.
Thống tướng định dẹp cho nhanh Ngàn rưỡi quân định rời thành Huế đi. Nhưng mà chính phủ Paris Điện sang lệnh cấm lạm vì đại binh.
Pháp dịch chết mấy ngàn binh Cho nên hoãn cuộc trường chinh tảo trừ. Hàm Nghi chẳng biết thực hư Triều đình rối rắm y như giẻ nồi.
Văn Tường ngày hẹn xong rồi Kỳ hạn hai tháng tới hồi nghiệm thu. Tường bị người ghét, mới trù Xin đem xử lý mà bù tội y.
Courcy Thống tướng Bắc Kỳ Chiếu quân kỷ bắt đày đi Văn Tường. Thất Đính, Thận Duật chung đường Trên tàu, Duật chết, đại dương dựng mồ.
Haiti, đảo lạ sóng xô Văn Tường bệnh chết, xác khô vô hòm. Pháp cho mang hết về chôn Một thời Phụ chánh xác hồn rã tan!
6. Vua Đồng Khánh 同 慶 (6-18-1885): Trị Tường, thống lệnh đã ban Triều chính giao Độ với Phan Chính Bình. Bắc Kỳ, Trọng Hợp: Lược kinh Pháp lập vua mới thân tình: Chánh Mông. Tới phủ Khâm sứ thụ phong Niên hiệu Đồng Khánh, vua không thực quyền.
Hàm Nghi nghĩa chẳng chao nghiêng ”Cần Vương Hịch” phát thiêng liêng gọi lòng. Thương vua, lắm kẻ còn mong Theo lời hịch gọi, gieo giông khắp vùng.
Quảng Nam, ”Nghĩa hội” chuông rung Quan sơn phòng sứ Trần cùng lập nên. Bình Định, Bình Thuận, Phú Yên Cờ nghĩa dấy khắp mọi miền đánh Tây.
Đình Hội đó, Tự Như đây Quảng, Thanh, Bình – Trị cờ bay máu đào. Lê Ninh, Hà Tĩnh anh hào Nguyễn Phạm Tuân với Văn Mao hợp đoàn.
Có ông Nghè Nguyễn Xuân Ôn Cùng Lê Doãn Nhạ xây đồn Nghệ An. Nhiều người xướng hịch là quan Binh vào tỉnh, phủ thiêu làng đạo lang.
Bắc Kỳ, Tạ Hiện cựu quan Bãi Sậy Thiện Thuật cũng quan cựu triều. Thêm Tàu quấy nhiễu liêu xiêu Pháp chia binh chống thiếu điều hết hơi.
7. Thống tướng De Courcy phải triệt về: Hay việc rắc rối, lôi thôi Courcy, Thống tướng ra coi Bắc Kỳ. Nhưng mà khắc nghiệt, đa nghi Cho nên sự việc rù rì chẳng xong.
Paris phe “muốn“, phe “không” Brigoon từ chức để hòng giữ danh. Thủ tướng Pháp mới tài lanh Courcy bị triệu phải đành rút chân. Varnel, trung tướng thế thần Paul Bert, Thống đốc cũng dân văn về.
8. Vua Hàm Nghi ở Quảng Bình: Đồng Khánh ở Huế đăng cơ Cựu thần chống Pháp làm lơ chẳng cần. Quảng Bình, đại tá Chaumont Ngăn đường Thất Thuyết thông dân Bắc Kỳ.
Nghệ An, Thanh Hóa ra uy Văn thân đánh dữ, mấy khi nước nhờ. Để Grégoire lại phòng hờ Chaumont đi lấy binh về đánh nhau.
Quảng Bình, vua ở đã lâu Thất Thuyết xem cũng vả đầu ngán ngao! Chống không nổi Pháp, bôn đào Để vua ở lại, bay cao tới Tàu.
”Trung quân” chẳng biết về đâu ”Ái quốc” cách cuối là cầu ngoại bang. Triều Châu, nơi chết danh tàn “Ông già chém đá” ngục đàng lạnh tanh.
Có câu: “Cây đắng, trái lành” Thiệp, Đạm con cái xứng danh anh hùng. Bảo vệ vua trọn tình chung Phạm Tuân, Lê Trực cũng cùng đảm can.
Mignot chia đánh hai đàng Một đàng Tuyên Hóa, một đàng Nghệ An. Văn Thân thất thế, rã tan Metznigert rút, tìm đàng tiến ra.
9. Ông Paul Bert (5-3-1886 đến 11-11-1886): Quan văn tên gọi Paul Bert Đặt phủ Thống sứ mà… đe Bắc Kỳ. Lo toan mọi việc thu, chi Lập Thương nghiệp cục, mở thi học đường.
Đồn điền điều lệ, chủ trương: Làm trước rồi mới lệ thường tấu sau. Paul Bert lo quá, bệnh đau Cùng năm thì mất, Bihourd thế quyền.
10. Lập Tổng Đốc toàn quyền phủ: (5-10 Đinh Tuất) Pháp lập bảo hộ Cao Miên Kiêm luôn bảo hộ ba miền nước Nam. Rành rành bản chất tham lam Viễn đông thuộc địa một quan… toàn quyền!
Nam Kỳ, thống đốc là trên Cao hơn khâm sứ Cao Miên, Bắc Kỳ. Trên các thống đốc hạng nhì Toàn quyền thống đốc tay chì: Coustant.
Chương XV: VIỆC ĐÁNH DẸP Ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ 1. Việc đánh dẹp ở các nơi: Trung Kỳ nghĩa đảm trung can Trứng chọi đá, lửa thử vàng đó đây. Tên Trần Bá Lộc xuống tay Đàn áp khởi nghĩa, nịnh thầy đến phiên.
Bắt Mai Xuân Thưởng, Bùi Điền Với Nguyễn Đức Thuận thay phiên chém liền. Cho nên Bình Thuận, Phú Yên Đảng Văn Thân rã mới yên kinh kỳ.
2. Vua Đồng Khánh ra Quảng Bình: Quảng Bình, Đồng Khánh ra đi Chiêu quan cũ, dụ Hàm Nghi tước vì. Chuyến đi chẳng kết quả chi Phải quay trở lại Huế vì bệnh đau!
3. Hoàng Kế Viêm ra quân thứ mạn Quảng Bình: Kế Viêm, đề đốc về đầu Kinh lược đại sứ đã hầu đến tay. Văn Ban, Nguyễn Trực về đây Nguyên Thành, Chư, Khải trao ngay khanh hầu.
Paul Bert, Đồng Khánh bàn nhau: Kế Viêm An phủ thì hầu giữ y. Lại phong làm Hữu trực kỳ Tiện nghi hành sự vỗ vì Hàm Nghi.
Hàm Nghi ba tỉnh bảo trì Các quan nguyên chức, vua thì tước Vương. Thanh Thủy, Lê Trực một đường Hà Tĩnh, Thất Đạm một phương lách luồn.
Tôn Thất Thiệp, Nguyễn Phạm Tuân Thanh Hóa quyết liệt, canh chừng Hàm Nghi. Kế Viêm ra sức được chi Năm Đinh Hợi phải chịu đi trở về.
4. Lập đồn Minh Cầm (1887): Triều đình lỡ vận sa cơ Cho nên phó mặc đôi bờ lũ Tây. Mua chuộc thủ hạ, chước hay Nên không dùng đại binh này tấn công.
Quảng Bình, Mouteaux ra phong Đánh đồn Lê Trực mà không lợi gì. Thanh Thủy thủ kỹ từng ly Minh Cầm đồn lập dự khi phải càn.
Lê Trực trung – ái hai đàng Quan đề đốc vốn thuộc hàng chính quân. Con người nghĩa khí đức nhân Nên Mouteaux vẫn mong ông thuận hàng.
Lê Lộc giữ dạ trung cang: “Vì Vua, vì nước chẳng màng hy sinh”. Vây làng, đại uý ra binh Phạm Tuân phải đạn, bỏ mình vinh quang!
Thuốc phiện hối lộ chỉ đàng Tên Ngọc nhận đổi giàu sang một mình. Đại úy ban lệnh rút binh Lính Pháp về lại đồn binh Minh Cầm.
Để cho tên Ngọc âm thầm Chờ thời cơ mới ngấm ngầm xuống tay. Mouteaux mỏi mệt lâu ngày Xin về Pháp nghỉ chờ ngày được thay.
5. Vua Hàm Nghi bị bắt: Tháng giêng, Mậu Tý, quân Tây Ra Quảng Bình để mà vây vua nhà. Vừa khi kiếm chẳng có ra Thì đồn Mang Cá, chạy ra Đình Tình.
Minh Cầm, nó vốn bình sinh Hàm Nghi hầu cận, khai trình chỗ vua! Pháp truyền “bắt sống nhà vua Những ai chống cự hay hùa, giết đi!”.
Hai tên lĩnh mệnh mà đi Hai mươi thủ hạ kiên trì bắt vua. Bị đâm, Thất Thiệp chịu thua Nửa đêm bị giết, chát chua một đời!
Hàm Nghi thấy phản, truyền lời: “Gươm đây sao chẳng lấy thời giết ta. Làm chi cái chuyện phản nhà Giết ta hơn bắt ta mà nộp Tây!”.
Vua vừa đôi chín, tội thay Năm năm vong vị chẳng may chút nào! Dẫu rằng bị bắt, bị đày Xem ra cũng đáng mặt mày Đế, Vương! Vua thời loạn lạc đáng thương Kiên trì đánh giặc sáng gương để đời!
Lễ Vương, Pháp lấy đãi Người Algérie xứ phải đày Người đi! Hàng năm, Pháp cấp tiền chi Dẫu xâm lăng cũng đôi khi có… tình!
Trương Quang Ngọc, Nguyễn Đình Tình Hai hàm quan võ, nhục mình lĩnh binh! Thủ hạ lĩnh vài đồng trinh Đứa hàm suất đội, bán tình lấy công!?
Tôn Thất Đạm thấy chẳng xong Vua đã bị bắt, còn mong nỗi gì! Thôi thì… thư gởi Hàm Nghi Cuối đầu tạ lỗi chia ly vẹn toàn.
Thư cho thiếu tá vuông tròn Xin cho thủ hạ sống còn, may ra: “Bây giờ, Pháp muốn bắt ta Thì vào rừng thấy mả ta ở rừng!”.
Thắt cổ, nước mắt rưng rưng Còn hơn những kẻ tráo trưng hại người! Thất Thuyết cư xử người cười Hai con thì lại hóa mười hoa tươi.
Lê Trực cũng chẳng hổ ngươi Lời lẽ khẳng khái khiến người ngợi khen. Triều đình bắt tội, thật hèn Pháp thì tha bỗng trắng đen một đàng.
Quảng Bình, quê cũ về làng Mạn ngoài kính đức, trong đang quý tình! Yêu nước đâu chỉ quyên sinh Sống cho có ích, trung trinh để đời.
5. Vua Thành Thái * Đồng Khánh Mất (25-1-Mậu Tí 1888) Đồng Khánh phải bệnh về trời Ba năm ngôi vị tuổi đời hăm lăm. Miếu hiệu là Cảnh Tông Thuần Làm vua như bột vào khuôn có là…
Khâm sứ Huế chợt nhớ ra: Ngày trước Tự Đức tức là Dực Tông. Dực Tông trai, gái cũng không Phải đem ba cháu cùng dòng dưỡng nuôi.
Dục Đức lớn tuổi lên ngôi Bị phế, giam bởi bầy tôi Thuyết, Tường. Thuở nhỏ lui tới Pháp thường Cho nên quen biết tận tường Rheinard.
Nhớ cảnh Dục Đức xót xa Nhìn cây biết cội mới ra nhớ người. Bửu Lân chỉ mới lên mười Đang cùng với mẹ ngậm cười chốn lao.
Nguyễn, Trương: Phụ chính đương trào Giúp vua Thành Thái đi vào kỹ cương.
7. Sự đánh dẹp ở Bắc Kỳ: Thiên Tân hòa ước hiệp thương Quân Thanh cũng đã hết đường đến ta. Vua quan triều Huế chẳng qua Bù nhìn một lũ có là thứ chi! Các cuộc khởi nghĩa Bắc Kỳ Bị Hoàng Cao Khải vô nghì dẹp tan!
Văn Thân – Đốc Tít ra hàng Tán dương Thiện Thuật chạy sang xứ Tàu. Kiều, Kỳ ra thú, giữ đầu Cai Kinh bị bắt, biết đâu chốn đày?
Hoàng Hoa Thám chiến khu đây Ba mươi năm đánh quân Tây khiếp hồn! Thủ hạ ám hại, ngậm hờn Ngàn năm gương sáng chập chờn nghĩa chung.
8. Việc Phan Đình Phùng: Non sông tưởng nhớ anh hùng Đình Nguyên Ngự sử Đình Phùng họ Phan. Can Thuyết, Tường phế tân quân Nên bị cách chức, bãi quan về nhà.
Hương Khê, Hà Tĩnh quê cha Mở đồn điền ở quê nhà Vụ Quang. Qua Tàu, ông gởi người sang Học nghề đúc súng tìm đàng đánh Tây.
Vốn người thao lược, văn hay Tướng tài mà chẳng cơ may gặp thời! Văn Thân, đầu đảng riêng trời Quân Pháp nể mặt, Huế thời… phải lơ.
Đình Nguyên vùng vẫy Hương Khê Giết Trương Quang Ngọc một bề tớ gian. Về già, bệnh mất, quân tan Nguyễn Thân, tổng đốc dã man “quật mồ”.
Thuốc súng trộn với xương khô Ghiền cho nát xác không mồ, bắn tan. Có người nói chỉ ý quan Nguyễn Thân sau đó vội vàng chôn thôi.
Đình Nguyên Ngự sử mất rồi Đảng Văn Thân mới đến hồi vỡ tan!
9. Lòng yêu nước của người Việt Nam: Pháp đô hộ, dân lầm than Ngọn lửa đánh Pháp cứu màn điêu linh: Kỳ Đồng cùng với Thiên Binh Nổi lên ở mạn Thái Bình – Bắc Ninh.
Bắc Kỳ, ”Nghĩa Thục Đông Kinh”. ”Duy Tân” cùng với Chu Trinh sáng ngời. Phan – Chu gương tốt để đời Nhắc cùng con cháu một thời lầm than.
Hà Nội, đầu độc Tây lang Sưu cao, thuế nặng oán than mỗi ngày. Hết vua Thành Thái bị đày Duy Tân cũng phải tới ngày biệt quê!
Việt Nam tình cảnh thảm thê Trăm năm nô lệ mỏi mê tháng ngày! Ai gây thảm họa như vầy Ai người cứu thỏ giữa bầy sói lang?
Chương XVI CÔNG VIỆC CỦA BẢO HỘ 1. Đà Nẵng, Hà Nội và Hải Phòng thành đất nhượng địa: Sau khi đánh dẹp đã an Toàn quyền lần lượt mở mang mọi đường. Triều đình Huế ký giấy nhường Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng nhượng không.
2. Việc kinh doanh ở các xứ bảo hộ: Công việc bảo hộ đã xong Chính phủ lo ngại ngoài trong phục thù. Bảo an xét kỹ từng khu Dùng người bản xứ mà thu dụng dần.
Binh hai sắc lính đã phân: Khố xanh thì giữ cướp gần, cướp xa. Khố đỏ quản trị sơn hà Nước nhà có loạn thì ra chiến trường.
Hành binh, đường sá, thông thương Lợi đường buôn bán, tiện đường đánh nhau. Thương cục, lập xưởng đóng tàu Mở đường xe lửa phòng sau lợi mình.
Cam Môn, Cam Cát, Trấn Ninh Pháp đi lấy lại mấy dinh tận Lào. Nhân Tiêm giết một binh trào Hai tàu chiến Pháp đổ vào Mê Nam.
Tiêm La hòa ước phải làm Nhường Lào cho Pháp, kết cam rõ ràng. Bồi thường hai triệu phật lăng Những người chống Pháp hung hăng, trị liền.
Lập phủ thống sứ Vientiane Cai trị địa hạt Lào đang được nhường. Rousseau thấy việc lương ương Tám mươi triệu mượn chi phương Bắc Kỳ.
Đinh Dậu, Rousseau ra đi Doumer thay chức, định vì thuế nha. Cho độc quyền muối, rượu, nha Bỏ Nha kinh lược, xoay qua mượn tiền.
Canh nông, công nghệ mọi miền Hai trăm triệu mượn mở liền hỏa xa. Nhâm Dần, Doumer về nhà Toàn quyền tổng đốc mới là Beau.
TỔNG KẾT Việt Nam sử lược ban đầu Đến đây tạm dứt hạ hầu tiếp chương. Chép sử như dệt vải thường Dệt xong mới biết tận tường đẹp hư.
Việt Nam tấm sử công tư Còn dài dằng dặc cũng như sợi tằm. Khỏe mạnh, vải dệt mới chăm Bệnh đau, bỏ dở như tầm ngán dâu.
Tương lai hay dở về đâu Người bản quốc biết đuôi đầu nhẫn thân. Học tập những cái ta cần Tương lai kỳ vọng phước phần một mai.
Văn hóa ta kém chi ai Tiềm năng hiếu học miệt mài mới thông. Noi theo chí khí cha ông Dệt thêm giai đoạn sử hồng gấm hoa.
Điều nên cần tránh tiêu pha Những gì hủ bại hại nhà, bỏ đi. Nhân cách đừng lẫn lộn chi Đồng tâm hiệp lực cái gì cũng xong.
Thái lai, bỉ cực hưng vong Tuần hoàn tạo hóa đã đong cạn đầy. Đại đồng chi thể mà hay Lương hữu dĩ giã đến ngày sấm tan.
Sử xanh viết dưới trăng vàng Khúc ca suy – thịnh vô vàn đắng cay. Xuân về trên những bàn tay Dệt đêm xanh sử, bớt ngày héo hon.
Ai người nhớ nước, thương non Mở trang lịch sử gọi hồn cố hương!
CHUNG (Trọn cuốn “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim). Mục lục: I. Lời mở II. Việt Nam sử ca: Quyển I: Thượng cổ thời đại Chương I. Họ Hồng Bàng Chương II. Nhà Thục Chương III. Xã hội nước Tàu Chương IV. Nhà Triệu
Quyển II: Bắc thuộc thời đại Chương I. Bắc thuộc lần thứ nhất Chương II. Trưng Vương Chương III. Bắc thuộc lần thứ hai Chương IV. Nhà Tiền Lý. Chương V. Bắc thuộc lần thứ ba Nước Tàu về đời Ngũ Qúy Chương VI. Kết qủa của thời đại Bắc thuộc
Quyển III: Tự chủ thời đại Chương I. Nhà Ngô Chương II. Nhà Đinh Chương III. Nhà Tiền Lý Chương IV. Nhà Lý Chương V. Nhà Lý (tiếp theo) Chương VI. Nhà Trần (Thời kỳ thứ nhất) Chương VII. Giặc nhà Nguyên – I Chương VIII. Giặc nhà Nguyên – II Chương IX. Nhà Trần (Thời kỳ thứ hai) Chương X. Nhà Trần (Thời kỳ thứ ba) Chương XI. Nhà Hồ Chương XII. Nhà Hậu Trần Chương XIII. Thuộc nhà Minh Chương XIV. Mười năm đánh Tàu Chương XV. Nhà Lê
Quyển IV: Tự chủ thời đại Chương I. Lịch triều lược kỷ Chương II. Nam triều – Bắc triều Chương III. Trịnh – Nguyễn phân tranh Chương IV. Sự chiến tranh Chương V. Công việc họ Trịnh làm ở ngoài Bắc Chương VI. Công việc họ Nguyễn làm ở miền trong Chương VII. Người Châu Âu sang nước Việt Nam Chương VIII. Vận trung suy của chúa Nguyễn Chương IX. Họ Trịnh mất nghiệp chúa Chương X. Nhà Hậu Lê mất ngôi vua Chương XI. Nhà Tây Sơn Chương XII. Nguyễn vương thống nhất nước Nam
Quyển V: Cận kim thời đại Chương I. Thế tổ Chương II. Thánh tổ Chương III. Thánh tổ (tiếp theo) Chương IV. Hiến tổ Chương V. Dực Tông Chương VI. Tình hình nước Nam cuối thời Tự Đức Chương VII. Nước Pháp lấy Nam kỳ Chương VIII. Giặc giã trong nước Chương IX. Quân Pháp lấy Bắc Kỳ lần thứ nhất Chương X. Tình thế nước Nam từ năm Giáp Tuất về sau Chương XI. Quân Pháp lấy Bắc Kỳ lần thứ hai Chương XII. Cuộc bảo hộ của nước Pháp Chương XIII. Chiến tranh với nước Tàu Chương XIV. Loạn ở Trung Kỳ Chương XV. Việc đánh dẹp ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ Chương XVI. Công việc của bảo hộ Tổng kết (đón đọc “Việt Nam lục bát sử 2“ tiếp theo cho đến nay).
NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN 65 Nguyễn Du – Hà Nội Tel&Fax: (043) 8222135. Email: nxbhoinhavan@hn.vnn.vn Chịu trách nhiệm xuất bản: PHẠM TRUNG ĐỈNH Biên tập: TẠ DUY ANH Bìa: Họa sĩ VĂN SÁN |
[post_connector_show_children slug=”vi%e1%bb%87t-nam-s%e1%bb%ad-ca-l%e1%bb%a5c-b%c3%a1t-s%e1%bb%ad” parent=”2185″ link=”true” excerpt=”true”]