Chương IX
HỌ TRỊNH MẤT NGHIỆP CHÚA (1510-1786) 1. Chúa Trịnh bỏ trưởng lập thứ: Trịnh Sâm bỏ trưởng, dâm tà Mê say Thị Huệ nên sa thế cùng. … Cho mình một đấng anh hùng Ngôi vua muốn cướp, nên dùng kế gian.
Bèn sai Vũ Thiệu Thị lang Sang Thanh kiếm một hai đàng tấn phong. Vũ Thiệu mắc cở tâm trong Uống ngay thuốc độc, tỏ lòng cản ngăn.
Trong triều, đảng phái tung tăng Hai phe Khải, Cán hung hăng mọi đường. Cán con chẳng mấy người thương Thường hay bệnh hoạn, cầm cương khó làm!
Sâm cha sắp chết, chưa cam Di thư lập Cán lên làm Chúa thôi. Con đầu, Trịnh Khải giành ngôi Trừ quan Phụ Chính và rồi tiếm vương.
2. Kiêu binh: Quan quân biến loạn triều cương Quân Tam phủ lại coi thường thế gian. Kiêu binh phá xóm ngang tàng Cho công họ lớn, tìm đàng lấn tranh.
Quân Tam phủ – lính Nghệ Thanh Thời Trịnh Tạc mạnh mà thành nổi danh. Giết quan Tham tụng Quốc Anh Tham tụng Quý Cảnh suýt thành bóng ma.
Đốt nhà Công Trứ chẳng tha Dương Khuông không nhả, Nguyễn La chẳng từ. Canh coi phủ Chúa, làm nư Bùi Huy Bích dỗ, từ từ bớt kiêu.
Nhà Trịnh đã đến thời xiêu Tây Sơn diệt Trịnh, tàn tiêu cuộc cờ!
3. Tây Sơn lấy Thuận Hóa: *Nguyễn Hữu Chỉnh: Kiêu binh giết Bảo mà ghê Chỉnh xin Nguyễn Nhạc theo về, Nhạc cho.
Cống Chỉnh đảm lược, giỏi Nho Hoàng Ngũ Phúc trước đã cho nhập cùng. Sau Hoàng Đình Bảo tin dùng Đi theo lập nghiệp anh hùng với nhau.
Hữu Chỉnh biết Nhạc từ lâu Nay về với Nhạc mưu cầu rạng danh. Tây Sơn – Chúa Trịnh chẳng lành Hữu Chỉnh bàn kế lấy nhanh Bắc Hà.
Binh ra Thuận Hóa làm đà Ngô Cầu trấn thủ, quan nhà hám sinh. Tờ thư dụ gởi Hoàng Đình Trao qua tướng Phạm, vô tình… cách ly.
Hoàng Đình Bảo chẳng hay chi Quan không hợp chí, làm gì chẳng thua? Công lao Hữu Chỉnh thêu thùa Thương cho tướng Trịnh gan thừa tử sanh.
Đình Bảo tử chiến thơm danh Ngô Cầu ghét Bảo lòng đành thản nhiên. Đa nghi, nóng nảy, tham tiền Lầm mưu Hữu Chỉnh, hàng liền Tây Sơn.
4. Tây Sơn dứt họ Trịnh: Kiêu binh Bắc phủ đang lờn Trong cơn hoạn nạn, uy sờn rã ben. Tây Sơn đánh tới bao phen Bùi Thế Dận, Tự Quyền hèn, chạy đi.
Bùi Thế Toại, Tạ Danh Thùy Mất toi Thanh – Nghệ còn gì để mơ? Bùi Tích Nhưỡng, Hoàng Phùng Cơ Bỏ Sơn Nam bởi thua cơ chẳng ngờ!
Khen cho Chúa Trịnh cầm cờ Lên voi, thất trận, lui về Sơn Tây. Đi đâu thoát họa đang vây Duyên may có hạn, cùng ngày vạ mang!
Gian xảo kế, có Nguyễn Trang Chúa lầm kẻ phản giở màn bất lương! Can trường Khải đáng làm gương Cùng đường tự sát hơn vươn tay còng!
Hai trăm mười sáu năm ròng Chèn Lê, Chúa Trịnh gãy dòng, đứt dây.
Chương X NHÀ HẬU LÊ MẤT NGÔI VUA 1. Tây Sơn rút quân về Nam: Nhà Trịnh số đã an bày Hậu Lê cũng phải đến ngày diệt vong!
Tây Sơn dứt Trịnh vừa xong Nguyễn Huệ cái chức Quốc Công tới phần. Vua mang công chúa Ngọc Hân Cành vàng lá ngọc nương thân tướng hiền.
Nguyễn Nhạc ở Bắc ngại phiền Xong xuôi, vội vã lệnh truyền trở lui. Mắt tham thấy bạc nào đui Đang đêm tháo chạy rinh chui… bạc vàng.
Hữu Chỉnh bị bỏ, vội vàng Bán sống, bán chết tìm đàng nhảy theo. Xiu lòng, Nhạc chẳng làm eo Cho theo Nguyễn Duệ, xuôi chèo Nghệ An.
Nhà Trịnh đã hết làm ngang Là cơ hội tốt vua, quan nắm quyền. Hiển Tông tới tuổi quy tiên Hoàng tôn Chiêu Thống đến phiên bất tài.
Đình thần lắm kẻ hàng hai Tây Sơn tiến tới, quăng hài thẳng dông. Hai tên Trịnh Lệ, Trịnh Bồng Giành tranh ghế Chúa, đèo bòng chữ Vương.
Chiêu Thống lập Án Đô Vương Được “Vương”, muốn “Thượng”, tìm đường lấn vua. Lê Chiêu Thống phải chào thua Cho vời Hữu Chỉnh giúp vua, dẹp Bồng.
2. Nguyễn Hữu Chỉnh chuyên quyền ở đất Bắc: Nguyễn Hữu Chỉnh dẹp Trịnh xong Vua phong chức Bằng Trung Công Tư đồ. Cậy công, Chỉnh lại hàm hồ Làm điều hống hách, ra vô lạn lờ.
Tây Sơn máu đổ dầm dề Anh em Nhạc – Huệ xoay cờ, đánh nhau.
3. Tây Sơn lấy Bắc Hà: ”Anh em nhồi thịt da đau” Anh than, Huệ mới nhìn nhau hết phiền. Hay tin Hữu Chỉnh chuyên quyền Nguyễn Huệ sai Nhậm giết liền chẳng tha.
Vua thấy Chỉnh sắp ra ma Bỏ Kinh đô chạy thẳng đà Mục Sơn. Nguyễn Văn Hòa, tướng Tây Sơn Bắt Chỉnh nhốt củi, rửa hờn Thăng Long!
Vũ Văn Nhậm giết Chỉnh xong Tôn Lê Duy Cẩn, tức Sùng Nhượng Công. Lên làm “giám quốc” hư không Bắc Hà chắp nối nửa Công, nửa Gà! Ngày ngày, chầu chực người ta Có tiếng, không miếng, quân gia chẳng nhìn.
Nguyễn Huệ khi nhận được tin Vũ Văn Nhậm phản, tức mình, kéo binh. Ban đêm tiến thẳng vào kinh Đem người cháu rể gia hình, thị oai.
Nguyễn Huệ thấy việc xong rồi Cho Ngô Văn Sở trông coi Bắc Hà. Quan Lê lắm kẻ chạy xa Người thì nhậm chức, kẻ… ma giữa đồng!
Lê Chiêu Thống có như không Triều cương đổ nát, đi tong bệ rồng. Ba trăm sáu chục năm ròng Giàn xiêu, bí đổ, Lê không có gì!
Chương XI NHÀ NGUYỄN TÂY SƠN (1788-1792) 1. Nhà Nguyễn Tây Sơn dấy nghiệp: Triều quân chủ, sử còn ghi: An Dân chí lý, đương nghi chính triều.
Nguỵ triều: tiếm vị, lòng điêu Tham lam, bạc nhược làm điều ác gian. Muôn dân bách họ lầm than Khom lưng uốn gối nào màng kỹ cương.
Hưng vong, lấy lẽ đo lường Tây Sơn thịnh bại, đường đường Đế Vương. Nguỵ triều cầu viện Bắc phương Gia Long chính sử trăm đường thị phi.
2. Vua Quang Trung 光 忠 (1788-1792): Vua tài, lịch sử còn ghi: Anh minh, quân tử chẳng bì tiểu nhân. Nguyễn Huệ sức khỏe tuyệt trần Cơ mưu diệu biến, tiên thần chẳng hơn!
Cùng anh dựng nghiệp Tây Sơn Phú Xuân đóng phủ, tay trơn đất Chàm. Nhà Thanh dòm ngó phương Nam Quần thần tấn lập lên làm Quang Trung.
3. Tôn Sĩ Nghị đem quân sang An Nam: Vua Lê thế bí đường cùng Thái hậu hết cách bèn dùng sách quen: Mang hoàng tử chạy bao phen Tâm không hổ thẹn, bon chen đến Tàu.
Càn Long nghe Sĩ Nghị tâu: “Giúp người trước cũng về sau giúp mình”! Vua Thanh chuẩn tấu, ra binh Mang quân bốn tỉnh mà bình Tây Sơn.
Thế giặc mạnh, Văn Sở chờn Tam Điệp lui trớn, còn hơn đối đầu. Phú Xuân, cấp báo mấy câu Nguyễn Huệ nhắc nhở: Mưu sâu kíp dùng!
Bắc Ninh, Nghị đến ung dung Vua quan Chiêu Thống…kính cung lạy chào. Đêm ngày chầu chực ra vào Thân vua một nước! Ôi chao thẹn thùng!
Tuồng như lũ Mạc Đăng Dung Vua hèn, lột áo, thân giun… nạp mình! Tên Tôn Sĩ Nghị coi khinh Nghinh ngang lính gác đưa trình ý quan.
Tàu ngày, cướp phá dân làng Vua lo giết hại người hàng Tây Sơn. Dân tình khiếp hãi nào hơn Non sông khốn đốn căm hờn chẳng vơi.
4. Vua Quang Trung đại phá quân nhà Thanh: Đánh giặc nào chuyện đùa chơi Bắc Bình Vương được quân mời bệ cao. Đăng đàn, tế lễ, thay bào Điều binh lập tức đi vào Nghệ An.
Quang Trung phủ dụ chiêu an Cho ăn Tết trước, rồi bàn xuất chinh. Quân ta mười vạn tân binh Giặc hai mươi vạn, ỷ mình thiện binh.
Quang Trung mưu tựa Khổng Minh Thần cơ diệu đoán tình hình chẳng sai! Ngài như Hưng Đạo thứ hai Điều binh thần tốc, thiên tài giở ra.
Cuối năm tiến thẳng Bắc Hà Qua sông Giản Thủy vào nhà họ Lê. Lê Chiêu Thống khiếp, không ngờ Quang Trung phá giặc, san bờ Phú Xuyên.
Ngọc Hồi tuyến địch đầu điên Vì cô lập chẳng ”khua chiên” gọi là… Quang Trung rạng sáng Mồng Ba Tháng giêng – Kỷ Dậu, đánh ra Hà Hồi.
Loa kêu, quân địch rối bời Mất hồn, khiếp vía, rụng rời, bó tay! Mồng Năm, rạng sáng cùng ngày Tây Sơn tiến đến bao vây Ngọc Hồi.
Đạn Tàu xối xả không thôi Quang Trung trí lược hạ hồi, lập mưu: Cỏ rơm quấn lửa, đốt thù Ba mảnh ván ghép thủ mười lính khiên. Mỗi người có một dao riêng Hai mươi lính nữa ráp liền phía sau. Xáp lá cà đánh với nhau Giặc chịu không thấu, quay đầu chạy nhanh!
Quan Thanh: Đề đốc Thế Hanh Tiên phong, tả, dực: Long, Thăng bỏ mình. Bị vây, Nghi Đống thất kinh Thắt cổ tự vẩn, chôn mình Đống Đa.
Nửa đêm, tin xấu báo ra Tôn Sĩ Nghị hoảng liệu mà chạy xa. Lên ngựa, yên chẳng kịp tra Quăng cha áo giáp, tranh qua chiếc cầu!
“Quân trung vô thủ”, trước sau Tranh cầu, cầu gãy, xô nhàu chết sông! Hồn ai oán lạnh giữa dòng Chồng, con, mẹ, vợ khóc ròng giá đông!
Quang Trung vừa tới Thăng Long Chiêu an, phủ dụ bền lòng nghĩa nhân. Cho lương, thuyền đến hàng quân Coi như một cách gia ân, mở lòng.
Vì tờ mật chiếu Càn Long Gởi Tôn Sĩ Nghị tỏ lòng xâm lăng. Quang Trung bảo Thời Nhiệm rằng: “Dùng lời khéo cản, ngăn màn chiến tranh”.
5. Vua Quang Trung cầu phong: Càn Long chiến sự không thành Trong mình rực lửa… tam bành, định sang. Hoàng đệ vua, Phúc An Khang Tổng đốc Lưỡng Quảng vội vàng trấn an.
An Khang có tính mê vàng An Nam đút lót vàng ngàn, dễ không. Quang Trung tấu biểu cầu phong Yên Kinh được cống, vàng đong thế tình.
Hòa Thân được của, tâu trình Vua nghe Khang nói chí tình, bãi binh. Mật ngọt, ruồi chẳng coi khinh Phong vương Nguyễn Huệ, mà sinh cảm tình.
Quang Trung chọn kẻ giống mình Là Phạm Công Trị, rập rình tiễn đi. Văn Chân, Văn Sở… phò trì Huy Tấn, Huy Ích lễ nghì: Cống Voi!
Càn Long tiếp đón hẳn hoi Làm “lễ ôm gối” mà coi một nhà. Vời đến chầu ở Nhiệt Hà “Truyền thần vẽ ảnh” thiệt là hậu ân!
6. Vua Chiêu Thống nhà Lê bị nhục ở bên Tàu: Bên Tàu, Thống chẳng yên thân May sao có được vài chân kẻ hầu! Khang lừa ”đổi áo, gọt đầu” Chờ khi phục quốc, mưu cầu Đế, Vương?!
An Khang gạt Thống cùng phương Khi Càn Long hỏi, tấu chương mà rằng: “Duy Kỳ chẳng muốn nhọc nhằn Đổi tóc, áo ở muôn trăng với Tàu”.
Càn Long chấp thuận lời tâu Truyền cho Chiêu Thống vào chầu Yên Kinh. Lê Quýnh trung hậu, tức mình: “Đầu, da chặt, lột mặc tình coi không. Nhưng tóc và áo đừng hòng Đừng mong ta bỏ tục dòng nước Nam!”
Vua khen trung liệt, vẫn giam Quýnh vì quốc thể không cam cá thừa. Còn bè bán nước, dây dưa Ham vinh, sống nhục, mưu lừa bán vua.
Văn Quyên họ Nguyễn không vừa Trung can, mắng kẻ gian lừa “Chó Ngao! Sao mày dám nhục vua tao!” Đòn roi một trận mưa rào, khổ thân!
Trung quân báo trọn hoàng ân Mà vua mãi quốc thì ân nghĩa gì!
Tình cảnh Chiêu Thống lâm ly Tay trơn, chí nhụt còn gì viện xin! Thêm hoàng tử mất thình lình Vong vua rầu rĩ, ly hình xứ xa!
“Rước voi về giày mả cha” Đâu là đại phước, đâu là họa thân? Lê Chiêu Thống nhục muôn phần Xa xôi vạn dặm hư thân đã đành!
Nương mình nấp bóng nhà Thanh Suy ra, trách kẻ gian manh đoạn tình. Lừa trên, dối dưới coi khinh Vong vua đãi bạc, hư vinh nhục mình.
Thiên cha cũng thiệt… thiên tinh Con Thiên tử lại muôn hình đắng cay!
7. Đức độ Vua Quang Trung: Quang Trung đức độ cao dày Am tường trị nước, dùng bầy tướng hay.
Nguyễn Thiếp dạ thẳng lòng ngay Không theo, vua lấy nghĩa Thầy, kính thay. La Sơn Phu Tử xưa nay Không ham phú quý, lòng đầy nước non.
8. Chính trị của vua Quang Trung: Phu thê, dạ cũng vuông tròn Bắc Cung Hoàng hậu phần còn Ngọc Hân. Với vua Lê, trọng muôn phần Lòng không lướt lấn, đỡ đần khó khăn.
Bắc thành tên gọi thành Thăng Nghệ An đất tổ: “Phượng Hoàng trung đô”. Sơn Nam nhị trấn địa đồ Hai quan Trấn, Hiệp tha hồ giữ coi.
Phân tri, văn Huyện rập ròi Coi về kiện cáo, lần hồi xử phân. Phân suất, quan võ có phần Binh lương giữ việc chuyên cần kiểm tra.
9. Quan chế: Quan chế, sử có ghi qua: Quan cao Tam thiếu hay là Tam công. Tư cối, lệ, khấu, Tư không Tư Đồ, Tư mã thuộc dòng “Đại tư”.
Hàn Lâm, Lục bộ thượng thư Thị trung ngự sử, Trung thư sảnh đường. Đại học sĩ nắm quan trường Tiền, Trung, Tả, Hữu, về đường tướng binh.
10. Việc Đinh điền: Đinh (người) ba hạng phân minh: Cập nách, tráng hạn (trung bình), lão nhiêu. Điền (ruộng) tam cấp chia đều: Tam, Nhị, Nhất đẵng mà kêu rõ ràng.
11. Học hành: Thi Nôm, học giỏi làm quan Văn hay chữ tốt thênh thang tướng hầu. Văn chương chẳng mượn chữ Tàu Tiếng mình, mình học làm giàu chữ Nôm.
12. Việc làm chùa chiền: Sư nhiều, lắm sãi mòn trôn Kinh thông dốt nát, thì không trụ trì. Quang Trung lệnh dọn chùa đi Cho gom gỗ lại gia vì thế nghiêm. Tu hành phải có căn nguyên Sư tâm đắc đạo, nhà Thiền đặng thơm.
13. Việc định đánh Tàu: Nước Nam, Tàu cứ ngắm dòm An Nam chỉ dám… lôm lôm Chiêm Thành. Chân Lạp hoặc đánh Tiêm La Tàu kia nước lớn sao mà… ngó xa!
Quang Trung thiệt Khác người ta Cầu phong kế hoạch chẳng qua dưỡng mình. Luyện quân chờ lúc nhuệ tinh Đánh Tàu bắt trả lại mình mấy châu.
Cầu hôn tính nước về sau Âu là kế sách đương đầu với Thanh. Than ôi! Chí lớn không thành Tiêu hao sức lực, tan tành ước ao.
14. Vua Quang Trung mất: Vua hiền tài, chẳng thọ cao Nghiệp chung đại cáo đi vào vạn năm! Ngôi vua chỉ được bốn năm Thọ bốn mươi tuổi, bệnh ngầm giá băng!?
Rạch Gầm, Xoài Mút hay chăng Sĩ Nghị buông kiếm, Xiêm – Thanh bạt hồn! Người đi bóng ngã hoàng hôn Hồn thiêng trợ hộ trường tồn nước Nam.
15. Vua Cảnh Thịnh 景 盛 (1782-1802): Chí cha, Quang Toản khó làm Vua con mười tuổi đành cam ngậm ngùi. Quyền hành ở cậu họ Bùi Anh ruột thái hậu một hùi với nhau.
Không đem xã tắc làm đầu Mà lo cấu xé mưu cầu lợi riêng. Trên phân đảng, dưới phân quyền Tây Sơn trên biển Như Thuyền gãy thân.
Chương XII NGUYỄN VƯƠNG THỐNG NHẤT NƯỚC NAM 1. Nguyễn Vương Ánh ở Tiêm La: Nói về Nguyễn Ánh nhanh chân Trước khi Nguyễn Huệ thắng quân Xiêm về. Nguyễn Ánh đành phải ở nhờ Qua Xiêm lánh nạn mà chờ phát uy.
Lưu vong so Thống Khác gì Về tài trí, Thống sao bì Nguyễn Vương. Vua Xiêm trọng Ánh Khác thường Vua Thanh rẻ Thống giống phường rợ nô!
Kiếp Vương sung sướng chỗ mô Mà bao người cũng nhào vô, thiệt là…
2. Nguyễn Vương Ánh về lấy Gia Định: Khi Ánh khổ ở Xiêm La Nguyễn Huệ lúc ấy đã ra Bắc Hà. Giúp Lê qua những phong ba Không giành thế lực, chẳng sa lấn đường.
Được phong là Bắc Bình Vương Phế ngay Trịnh Khải tỏ tường phép khuôn. Nguyễn Nhạc xưng Đế – Phú Xuân Gia Định giao Lữ canh chừng, chẳng lơ.
Rồi khi Nhạc – Huệ trở cờ Quân Gia Định phải điều về Quy Nhơn. Tây Sơn thế đã kém hơn Là cơ hội tốt rửa cơn oán hờn.
Nguyễn Ánh chí lớn không sờn Nửa đêm từ tạ, thuyền quờn chốn xa. Những điều cần kíp làm qua Thu “Thiên địa hội” đám Hà Hỉ Văn.
Bấy giờ hào kiệt, nhân văn Tây Sơn mấy tướng khăng khăng nhập hàng. Đông Định Vương – Lữ, không màng Lui về Lạng Phụ, bỏ ngang Sài Gòn.
Văn Tham, Thái phó tài non Mắc mưu, theo Ánh, tướng còn mấy ai? Nguyễn Lữ đại tướng bất tài Bỏ chạy, nhận lấy lá bài tử vong.
Phạm Văn Tham đã phản công Nguyễn Vương lại thẳng Gò Công chạy về. May nhờ Võ Tính cao cơ Đem binh giúp Ánh, qua đê vượt cầu.
Võ Tính đáng bậc mày râu Vì anh chống Nguyễn rơi đầu, ruột đau! Võ Tính về giữ vườn Trầu “Gia Định bậc nhất” dạ sầu thế chung.
Nguyễn Vương hết sức tin dùng Đem công chúa gả mà cùng tiến binh. Quan Tiền phong chưởng cơ Dinh Chiếm Gia Định mở lộ trình đánh ra.
Tây Sơn, Thái Bảo ra ma Phạm Văn Tham trước cũng sa kế lường. Thân tướng tử chiến sa trường Phạm không binh viện, cùng phương phải hàng.
3. Nguyễn Vương sửa sang mọi việc ở Gia Định: Nguyễn Ánh lo việc sửa sang Cấm trò phù thủy, ngăn can bạc bài. Canh nông, thuế khóa lâu dài Quan tâm võ bị hòng… bài Tây Sơn.
4. Việc khai khẩn điền thổ: Nguyễn – Nam, Trịnh – Bắc căm hờn Đầu rơi máu đổ, xám nhờn cỏ cây. Công lao Nguyễn Ánh là đây: Làm Gia Định héo giờ này phục sinh. Phủ binh cho đến cùng đinh Khai hoang, lĩnh ruộng, làng đình đổi da.
5. Việc buôn bán: Thông thương các nước gần xa Cần lưu huỳnh, lấy thóc mà đổi trao.
6. Ông Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh ở Pháp về: Ánh đem hoàng tử ngoại giao Cho Bá Đa Lộc mà nào thấy tin? Louis mười sáu nghĩ tình Ký tờ giao ước, lược trình mấy câu:
”Pháp giúp Vương bốn chiếc tàu Ba đạo: Lục, Hắc dẫn đầu pháo binh. Nguyễn Vương cũng phải nhượng mình Pháp quản cửa Hội, định bình Côn Lôn.
Pháp tự do bán với buôn. Người Âu không được qua truông vượt rào. Khi Pháp có loạn chiến nào Lương thực Ánh phải thầu bao lính, tàu.
Nếu khôi phục nước về sau Mỗi năm làm một chiếc tàu trả ngay”. Giao ưóc hay nhục ước đây Lợi mình chưa một, lợi Tây đã mười!
May sao “nhục ước” buồn cười Tình hình bất lợi, nằm… lười Paris. Bá Đa Lộc thấy cũng kỳ Mộ người, mua súng giúp vì chỗ thân.
7. Nguyễn Vương đánh Quy Nhơn lần thứ nhất (1790): Nguyễn Ánh sai Chưởng tiền quân Quan cũ ngày trước, công thần: Văn Câu. Tiên phong: Võ Tính, Thành, Châu Cùng vây Bình Thuận, phủ đầu Phan Rang.
Văn Câu binh bại tiêu tan Gia Định nghị tội: Bãi hàng chức quan. Con đường phú quý thênh thang… “Bất đắc kỳ tử” cũng đang đợi mình!
Nguyễn Vương lại tự thân chinh Chiếm phủ Diên Khánh rồi bình Bình Khang. Chiến thuyền vào bể Nha Trang Thắng xong thẳng tới địa bàn Phú Yên.
Nguyễn Vương giục thủy binh liền Tiền binh đánh với binh tiền Tây Sơn. Quân Thái tử Bảo yếu hơn Bỏ Thị Nại, hướng Quy Nhơn trốn về.
Tây Sơn – Nguyễn Nhạc não nề Sống còn là cách cầu nhờ Phú Xuân. Cảnh Thịnh sai Huấn, Công Hưng Tư đồ Văn Sở với cùng Lê Trung.
Văn Châu, thống lĩnh đi cùng Hai đường thủy, bộ trùng trùng giải vây. Nguyễn Vương vội vã rút ngay Chạy về Gia Định chờ ngày phản công.
8. Thế lực Tây Sơn; Phạm Công Hưng giải vây xong Tịch thu của cải, niêm phong bảo tàng. Nguyễn Nhạc tức kẻ làm ngang Thổ huyết bỏ mạng, oán than ngậm lời.
Tây Sơn Nguyễn Nhạc về trời Mười sáu năm đế, cuối đời chát chua! Hai vua còn lại một vua Sắp thêm vua nữa ăn, thua chán chường!
Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Vương Vua nào giữ được giang sơn vững bền?
Tây Sơn thế lại mạnh lên Vây thành Diên Khánh bấp bênh mấy lần. Phú Xuân loạn bởi đại thần Giết nhau mới tạo muôn phần nghịch thiên.
Bùi Đắc Tuyên lại chuyên quyền Lừa Ngô Văn Sở vào xiềng với gông. Bọn Nguyễn Văn Dũng đánh đồng Nghe Văn Kỷ giết người trong thế cùng.
Dìm sông chết kẻ anh hùng Tây Sơn đã đến đường cùng cáo chung. Quang Diệu nghe báo hãi hùng Không quyền, vua trẻ khóc cùng, thế thôi!
Lui binh, Quang Diệu về rồi Hai bên Dũng – Diệu đến hồi cự nhau. Thất kinh, vua gọi vào chầu Vỗ về, họ mới quay đầu bắt tay.
”Tứ trụ” chẳng được bao ngày Trần Quang Diệu bị thâu ngay tước quyền. Vua nhỏ dại, chẳng người khuyên Võ quan kiếm chuyện đảo điên tứ bề.
9. Nguyễn Vương đánh Quy Nhơn lần thứ hai (1797): Nguyễn Ánh cơ hội đã chờ Dẫn Đông cung Cảnh đánh về Quy Nhơn.
Tây Sơn con cá thờn bơn Nhưng cò chưa thể nuốt trơn được liền. Văn Thành, Tánh đánh Phú Yên Tây Sơn phòng kỹ, đương nhiên thủ huề.
Nguyễn Vương thấy khó lui về Bèn chuyển hướng đánh bất ngờ Quảng Nam. Đánh hoài, Vương liệu chẳng kham Rút về Gia Định, rồng cam ở chuồng.
10. Nguyễn Vương đánh Quy Nhơn lần thứ ba (1798): Thư về cấp báo Phú Xuân Là tin Nguyễn Bảo luông chuông, trốn tìm. Nghe anh theo Ánh, vô tim Cảnh Thịnh bắt Bảo mà dìm xuống sông.
Lê Trung, Trấn thủ không xong Âm mưu tạo phản, thông đồng, chém đi. Văn Huấn, Thiếu phó uy nghi Vạ mang đố kỵ mà đi đứt đời.
Giết nhau quả thiệt tơi bời Tướng Tây Sơn nản, rụng rời bỏ vua. Nguyễn Vương như gió được mùa: “Đại đô đốc chúng đã hùa với ta!”.
Vương thương lượng đến Tiêm La Theo đường Vạn Tượng đánh ra Bắc Hà. Một nhà, một nước, một cha Gà làm bạn cáo, cáo tha mất liền!
Quy Nhơn, Ánh lấy về nguyên Rút về Gia Định, giao quyền Tính, Châu. Bá Đa Lộc lại bệnh đau Mất rồi, Vương tặng công đầu: Quận công.
11. Quân Tây Sơn vây thành Bình Định: Tây Sơn xáo xộn bên trong Mượn tay Văn Dũng tấn công tướng Trần. Quang Diệu về bắt loạn thần Vua Cảnh Thịnh phải phân trần, biện minh.
Canh Thân, Quang Diệu ra binh Cùng quân Văn Dũng vào bình Quy Nhơn. Tùng Châu, Võ Tính không sờn Giữ thành lương thực hết trơn cũng đành.
Tháng giêng Tân Dậu, tương tranh Vương sai Tống Phúc Lương nhanh mở đường. Di Nguy, Văn Duyệt tinh tường Mang thủy quân chận, cắt đường Tây Sơn.
Được Thị Nại, lại tay trơn Đông cung Cảnh ốm, căm hờn với ai? Nguyễn Hi, hoàng tử thứ hai Tháng sau cũng mất, Vương ai oán lòng!
12. Nguyễn Vương thu phục Phú Xuân: Tây Sơn vây mấy tháng ròng Giải vây chẳng được, sai vòng cửa sau. Vương kêu Võ Tính, Tùng Châu: “Bỏ thành trốn chạy giữ đầu lấy công”
Võ Tính ngay thẳng một lòng: ”Phú Xuân nên lấy để hòng tiến binh”. Nghe lời Tính, Ánh ra binh Tây Sơn Cảnh Thịnh hoảng kinh, rụng rời!
Hai bên loạn chiến tơi bời Đạo đồ Thiên Chúa nhập… đời chiến chinh. Vua hèn, quan chỉ lo mình Nên dân tình giữ phận mình tép tôm.
“Lạy trời cho có gió Nồm Cho quân nhà Nguyễn giông buồm thẳng ra”. Tây Sơn số kiếp không nhà Nguyễn Huệ mất sớm, sơn hà tả tơi.
Phú Xuân như đánh giỡn chơi Quân phò mã Trị rã rời, bại ngay. Vua Cảnh Thịnh chống nửa ngày Tan bầy, rã bọn ai thầy, tớ đây? Tìm đàng “xa chạy, cao bay” Ngày đêm vội vã ra ngay Bắc Hà.
Quang Thùy, em chẳng rời xa Thị Xuân hộ giá vua mà rước đi. Họ Bùi hào kiệt nữ nhi Vợ Trần Quang Diệu, sử ghi: Anh hùng.
Tôi trung chẳng gặp thời chung Cây xanh thiếu nắng thun chùn, héo hon! Vợ chồng lòng dạ sắc son Tôi trung thờ chúa vuông tròn có nhau.
13. Võ Tính tử tiết: Quy Nhơn: Võ Tính, Tùng Châu Bị Trần Quang Diệu vây sâu giữa thành. Viện binh bị đánh tan tành Cùng phương, Võ Tính mới đành tự thiêu:
“Như ta chủ tướng thì liều Còn như quân sĩ làm điều tội chi? Người nên mở lượng từ bi…” Lầu cao Bát Giác truyền ghi một lời!
Tùng Châu nghĩa đảm đầy vơi Dùng ngay thuốc độc, muôn đời thủy chung! Toàn là những bậc anh hùng Thời nào, tướng nấy kiên trung phải cần.
Vào thành, Quang Diệu An Dân Chôn thây Châu, Tính tỏ phần nể yêu. Y lời, quân tử nào điêu Đem tâm đức độ làm điều trị gia.
14. Trận Trấn Ninh: Phú Xuân thất thủ, tin qua Cảnh Thịnh vội chạy kíp ra Bắc Hà. Viện binh các trấn kéo ra Quân non ba vạn có đà vượt sông.
Tướng Nguyễn thấy chống không xong Trần Thường, Tống Phúc Lương đồng rút binh. Nguyễn Vương phải tự thân chinh Thủy, Bộ hai hướng Trấn Ninh thủ vì.
Tháng giêng Nhâm Tuất, Quang Thùy Cùng Thị Xuân lại kiên trì phá ra. Nguyễn Văn Kiên dạ xấu xa Thua trận Nhật Lệ phải ra chịu hàng.
Nguyễn Văn Thận giữ Nghệ An Vua Tây Sơn dẫn binh tàn chạy đi. Quang Diệu, Văn Dũng so bì Trấn Ninh bị phá, thủ gì Quy Nhơn?
Bỏ thành mà chạy hay hơn Nghệ An thẳng tiến qua cơn hoạn này. Vua tôi gặp gỡ tại đây Lo mà chống Nguyễn với xây dựng nhà.
15. Nguyễn Vương lên ngôi tôn (1802) Gia Long nguyên niên 嘉 隆 元 年 Phú Xuân chiếm giữ làm đà Tháng năm Nhâm Tuất xưng là Gia Long. Lập đàn tế cáo vừa xong Đồng thời lệnh tiến thẳng dong Bắc Hà.
16. Quân Nam ra lấy Bắc Hà: Văn Trương, đường thủy đánh ra Bộ binh: Duyệt, Chất chia mà đánh sang. Quân bộ vượt sông Linh Giang Tiến vào Hội Thống sang bằng lũy dinh.
Khiến quan Trấn thủ hoảng kinh Bỏ Nghệ An chạy, náo mình Diễn Châu. Quân Nguyễn triều kéo đến đâu Tây Sơn chẳng đánh còn mau chịu hàng.
Cảnh Thịnh thấy quân vỡ tan Cùng em tẩu tán mà sang Nhị Hà. Dân gian ở đấy tìm ra Đem vua bỏ củi coi là lập công.
Quang Thùy, Đốc Tú đau lòng Hiên ngang tự tử, vợ chồng chết chung. Thị Xuân, Quang Diệu anh hùng Cùng Vũ Văn Dũng nhận khung giảo hình.
Tiểu nhân, quân tử khó bình Bên ta cứu chúa, bên mình phản dân. Trung thần, phản trắc bất phân Luận công, định tội chờ phần kiếp sau.
Tây Sơn dựng nghiệp không lâu Tàu không kẻ lái lao đầu hố sâu.
Quyển V CẬN KIM THỜI ĐẠI NHÀ NGUYỄN 阮 氏 (1802-1945) Chương I: THẾ TỔ (1802-1819) Niên hiệu: Gia Long 嘉 隆 1. Thế Tổ xưng Đế hiệu: Tây Sơn xóa xổ vương hầu Hăm bốn năm, Ánh nối cầu Việt Nam. Phú Xuân – Thủ phủ Bắc – Nam Thế Tổ cấp đất, phong hàm Trịnh – Lê.
Bắc thành tên gọi bấy giờ Văn Thành phụng chỉ vỗ về, ngó coi. Xếp đặt đâu đó hẳn hoi Nhâm Tuất, nghị tội rạch ròi Tây Sơn.
”Hiến phù” làm lễ rửa hờn Tù quốc gia chẳng nặng hơn phạm nhà! Hồn ma cũng dễ gì tha Đào mồ, quật mả vua nhà Quang Trung.
Mang thây nghiền bột vứt tung… Đầu đem xích lại giam vùng tử lao! Văn thần, võ tướng, ôi chao Hàng rồi cũng đánh máu trào mới tha!
Vua tha, nhưng tướng chẳng tha Thời Nhiệm chết bởi roi da Trần Thường. Vợ chồng Quang Diệu thê lương ”Voi giày” đến chết một phường trẻ thơ!
Hình gia xử ác, người ghê Ban công, luận tội nào ngờ tiểu nhân! Quân thù xâm lược nào thân Cũng đâu số phận nát gân, tróc mày! Cho người chuyển thể dòng này Than dài, nước mắt thương vay, đắng lòng!
2. Việc triều chính: Điêu linh sáu chín năm ròng Triều cương đổ nát, thuần phong lụi tàn. Gia Long mới cấm dân gian Không tin Thần, Phật sinh sang rượu chè.
Quan nào lập phái, kết bè Đua nhau quấy nhiễu hằm hè, chẳng tha. Với Tàu, Chân Lạp, Tiêm La Giữ tình hiếu thuận, nước nhà mới yên.
Triều ca sửa đổi mà truyền: Theo Lê, chế độ vua quyền, phủ nha. Bồ tụng, Tham tụng bỏ qua Chỉ còn Lục bộ, đầu là Thượng Thư.
*Bộ Lại thưởng phạt công tư Xét công trạng, thảo chiếu từ, bổ quan… *Bộ Hộ coi việc kho tàng Đinh điền, thuế má, bạc vàng, chuyển thông…
*Bộ Lễ coi tế, tôn phong Học hành, thi cử, thọ đồng, tế nhân… *Bộ Binh kén chọn tân quân Thuyên bổ võ chức, hiệp quần thưởng công…
*Bộ Hình duyệt án chưa thông Hình danh pháp luật, tấu dâng, nhục hình… *Bộ Công coi việc cung đình Xây thành, dinh thự, công trình bán mua.
Lập Đô sát viện can vua Tả, hữu Ngự, Phó theo tua đứng đầu. Bốn Doanh, ba Trấn chia nhau Trấn có Huyện, Phủ, đầu tàu Tri Châu.
3. Binh Chế: Ban công, định tội liền nhau Thờ người tử trận, phong Hầu kẻ công. Lính già chiến trận về xong Các Trấn theo lệ quay vòng: Giản binh.
Kinh đô nơi đặt Thâu binh Tinh binh với lại Cấm binh giữ thành. Lính Cơ, lính Mộ trấn hành Binh khí đủ cỡ, tập tành với nhau.
Tàu thuyền lớn, bọc đồng thau Tuần dinh tiền hậu, canh tàu viễn chinh.
4. Việc Tài chính: Tài chính đổi mới hợp tình Gia giảm khi lũ hạn sinh mất mùa.
Thuế điền, ba hạng thu mua Thuế đinh, lệ định Khác mùa, Khác nơi. Năm năm, đinh hạ lỗ, lời Dân, quân, chức sắc đồng thời phải khai.
Ruộng điền, điền bạ sinh nhai Ba năm trả lại, không ai bán, nhường. Thuế thân, sản vật coi tường Thuế thuyền nước Khác, ước lường: Nhỏ, to.
Nhà vua chế kiểu thước đo Người Tàu khai mỏ, vua cho hưởng dài. Năm Gia Long tính thứ hai “Gia Long thông bảo” thông khai bán hàng.
Mười lượng bạc, một lượng vàng Cho phép Gia Định chuyển sang đúc tiền. Đồng, chì, sản vật: cân thiên Cân trung bình để cân riêng bạc vàng.
5. Công vụ: Gia Long cứu xét mà bàn Xây nhà, sửa lộ, làm đàng nghỉ chân. Quan các Trấn, phải cùng phân Đê điều cẩn thận, phòng dân mất mùa.
6. Pháp luật: Làm theo luật lệ nhà Lê Tân Mùi, Thế Tổ châu phê Văn Thành: Đem luật Hồng Đức, nhà Thanh Soạn thành một bộ phát hành mọi nơi.
7. Việc Học hành: Học hành, thi cử nào chơi Lập miếu Khổng Tử, chẳng hời đạo Nho. Mở thi Hương, chọn học trò Người giỏi văn nọ vào lò luyện văn.
Nước nhà cần võ và văn Lệ thi tuyển võ, văn thần mỗi năm. Thời Gia Long thịnh Quốc âm Nên nhiều tác phẩm rộ rầm nổi danh:
“Văn tế” của Nguyễn Văn Thành “Hoa tiên” – Huy Tự; ”Bắc hành” – Nguyễn Du. ”Lẩy Kiều”, mẹ hát mà ru “Truyện Kiều” tuyệt bút, ngàn thu để đời.
Địa dư, Quốc sử cùng thời Thượng thư Quang Định viết mười quyển xong.
8. Việc giao thiệp với nước Tàu: Năm Giáp Tý, Tàu sang phong Ta ba năm cống… vía ông, một lần.
Ngà voi, quế mỗi trăm cân Sừng Tê hai bộ, lụa cần trăm cây. Một ngàn lượng bạc đủ ngay Vàng hai trăm lượng tới ngày… cúng dâng!
9. Việc giao thiệp với nước Chân Lạp và nước Tiêm La: Ba vua Chân Lạp tranh phần Nặc Ông Vinh lại chẳng cần biết em.
Láng giềng, Thế Tổ… dòm xem Sai Thành Nhân lập Ông em kế vì. Kể từ năm đó trở đi Nặc Ông Ấn mất, trị vì: Ông Chân.
Chân Lạp nhận phận chư thần Ba năm chịu cống một lần nước ta. Vương triều Chân Lạp can qua Ba em Ông Nặc lại ra đoạt quyền.
Quân Tiêm La xuất binh liền Ông Chân thua chiến… về miền Tân Châu. Việt Nam nhận biểu, cứu nhau Tiêm La mới chịu quay đầu, bỏ đao!
10. Việc giao thiệp với nước Hồng Mao: Năm Quý Hợi, nước Hồng Mao Anh Cát Lợi đáo qua, rao bán hàng. Gia Long bảo thủ, không màng Tiêu tan cơ hội mở mang với người.
11. Việc giao thiệp với nước Pháp-Lan-Tây: Với Pháp, trọng chín, kính mười Vì Bá Đa Lộc giúp Người biết bao. Tàu hàng, thuế chẳng thu cao Cho Lan Tây nọ ngồi vào chức quan. Xem ra trọng hậu vô vàn Chầu không bắt lạy, thêm quan lính hầu.
12. Sự giết hại công thần: Người đời vẫn có cái câu: “Được chim bẻ ná, khi giàu phủi ơn”! Nguyễn Ánh nào khá gì hơn Như Lê Lợi giết hết trơn đại thần!
Hồi chuông cảnh tỉnh xa gần Nghĩa nhân chẳng giữ, muôn phần bại danh. Đặng Trần Thường, Nguyễn Văn Thành Công thần bậc nhất, nỡ đành trảm biên!
Văn Thành vốn ở Thừa Thiên Vào Gia Định lại truyền duyên mấy đời. Vương nghe học rộng, bèn mời Phong cho chức Tổng trấn nơi Bắc Hà.
Trung quân chức cũng từng qua Học hành xứng đáng đảm nha Tổng tài. Văn Thành có đứa con trai Cử nhân đổ đạt thành tài: Văn Thuyên.
Văn tài lắm nẻo truân chuyên Chưa chi đã rước buồn phiền tới thân. Thơ văn thỏa chí gieo vần Tâm tư tại nội nguy thân thế này:
– “Ái Châu nghe lắm người hay Cầu hiền mong ước đã rày bấy nay. Ngọc kinh sơn phác có đây Ngựa kỳ ký Bắc biết hay đã rồi.
Hương từ nghìn dặm xa xôi Gò cao, Phượng hát, mây trôi chín tầng. Gặp nhau, sơn tế ân cần Có cơ hội đổi xoay vần đó đây”.
Làm xong gởi đất Thanh Ngay Cho Khuê với Nhuận, hai tay tú tài. Ai ngờ Trương Hiệu thài lai Thêm hành ớt tỏi đến tai Duyệt rồi!
Duyệt – Thành hai tính ngược đôi Ghét cha, Duyệt mới ra mòi chém con. Văn Thành níu áo kêu oan Gia Long dứt áo chẳng còn trọng đâu.
Triều đình ép nhận tội mau Văn Thành uống thuốc chết sầu, hận sâu. Văn Thuyên phải bị chém đầu Thù nhau “vạch lá tìm sâu” mới… ”người”!
Trần Thường số cũng buồn cười Hà Đông, Chương Đức quê người nghiệp trơn. Vì sao chạy trốn Tây Sơn Đi vào Gia Định, hỏi cơn cớ gì?
Thượng Thư Binh Bộ cũng chì Lê Chất sao lại bươi chi lỗi lầm? Giam Thường vào ngục tối tăm Rồi mang xử trảm, mà lầm kẻ thâm. Để đời bài vịnh quốc âm “Hàn vương tôn phú” thâm trầm, đáng thương.
13. Xét công việc của vua Thế Tổ: Nguyễn Ánh bền bỉ khôn lường “Trường kỳ kháng chiến” người thường chẳng kham! Vì danh, khổ nhọc đều cam Đại công thống nhất Bắc Nam vẫn truyền.
Nhưng khi hết chuyện truân chuyên Công thần giết hại liền liền mới đang! Không tha kẻ đã xin hàng Vô tâm sỉ nhục tông đàng Tây Sơn!
Hán Cao, Thủ Độ còn hơn Lòng mang nặng chữ “căm hờn” mới ra. Thái sư, chôn sống người ta Gia Long, mồ mả, không tha được người!
Công thần số phận trêu ngươi Đường cùng, nhận kiếp thân cười bóng ma. Công nhiều, tội cũng nhiều ra Không như kiếp bọt hát ca giữa dòng.
Làm vua mười tám năm ròng Thọ năm chín tuổi, Gia Long băng hà.
Chương II THÁNH TỔ (1820-1840) Niên hiệu: Minh Mệnh 明 命 1. Đức độ vua Thánh Tổ: Hoàng thái tử Đảm thay cha Thông minh nổi tiếng vốn là bẩm sinh. Sinh thời, hiếu học, thâm tình Thờ gương Khổng – Mạnh, giữ mình đạo Nho.
Nhìn dân ngả ”Đạo” mà lo Nên không ngại… giết thầy trò Gia Tô. Vì mong bảo vệ cơ đồ Không cho kẻ lạ, ra vô nước mình.
2. Việc Chính trị trong nước: Lâm triều, phán xử anh minh Thêm Tự, Viện để thông tin tới mình. Phẩm hàm chín thể quân tình Tùy theo công trạng mà bình chức danh.
Minh Mệnh thay đổi ngọn ngành Đổi Trấn ra Tỉnh giống Thanh của Tàu. Lãnh binh, Tổng đốc trước sau Tuần phủ, Bố chính cùng nhau giữ gìn
3. Nội các: Nguyên niên Minh Mệnh, Canh Thìn Thị thư viện đổi sang dinh Thư phòng. Lấy Tam, Tứ phẩm bên trong Đổi thành Nội các trong vòng mười năm.
4. Cơ mật viện: Minh Mệnh, năm thứ mười lăm Lập Cơ mật viện để nhằm trị an. Tam phẩm chọn lấy bốn quan Kim bài lãnh lệnh vinh quang Đại thần.
5. Tôn nhân phủ: Minh Mệnh mười bảy, Bính Thân Đặt Tôn nhân phủ đỡ đần họ vua. Thờ vua bảy miếu, Khác chùa Tả Chiêu, hữu Mục chia vừa trước sau.
Một Tôn nhân lệnh đứng đầu Tả hữu tôn chính đầu tàu bốn quan. Tôn khanh tả hữu coi tang Tá lý giúp đỡ con quan, họ hàng.
6. Quan chế: Thánh Tổ xếp đặt thứ quan Chánh, Tòng tùy Nhất, Cửu hàm chia hai.
Chánh Nhất Phẩm có bốn vai: Đông, Văn, Cần, Võ anh tài phía văn. Ngũ quân Đô thống võ quan Văn Đại học sĩ phân hàng thấp cao.
Tòng Nhất Phẩm đệ nhị trào Hiệp biện đại học sĩ vào sĩ gia. Hàng võ: Đô thống… nhị gia Chánh, tòng nhất, cửu phẩm qua chín hàm.
Quan viên tùy chức mà làm Vinh quy bái tổ, quan hàm rạng vai!
7. Đặt Tổng đốc, Tuần phủ ở các tỉnh: Minh Mệnh năm thứ mười hai Đổi Trấn thành Tỉnh theo bài Tống, Thanh. Tống đốc, Tuần phủ nên danh Án sát, Bố chính thêm ngành Lãnh binh. Việc quân, dân phải giữ gìn Chính trị, Giáo dục, luật hình, chẳng lơi.
8. Lương bổng của các quan viên: Kỷ Hợi, Minh Mệnh hai mươi Thánh Tổ phân bổng hai mươi thứ quyền. Chánh tới Hậu bổ quan viên Từ hai đến bốn trăm tiền mỗi quan. Gạo, tiền xuân phục, đưa sang Sợ quan tham nhũng, vua ban dưỡng tiền.
9. Tiền Dưỡng liêm: Loại “quan tiền”, vua thưởng riêng Tri châu, phủ huyện, được tiền Dưỡng liêm. Năm mươi quan cấp thanh liêm Hai mươi quan cấp công nghiêm hạng bình.
10. Sự học hành thi cử: Học hành thi cử chiêu sinh Đầu Hương, giữa Hội, cuối Đình: Tam khoa. Đổ Tam trường gọi: Sinh đồ Xem ra cũng được một bồ chữ Nho. Sinh đồ – cô Tú khá to Tứ trường: Hương cống, bằng lò Cử nhân.
11. Sách vở: Văn chương ưu ái dăm phần Bình đàm, viết lách, gia ân kẻ tài. Những người viết sách một mai Trịnh Hoài Đức với Công Tài, Văn Thiu. Nguyễn Đình Chính, Vũ Văn Tiêu Nhiều tác phẩm viết nhiều điều Sử, Thi…
12. Việc sửa phong tục: Cuối đời Thánh Tổ trở đi Thuần phong bị hủy Khác chi chiến trường.
Mười điều răn dạy làm gương: ”Đôn nhân luân: Trọng Ngũ thường, Tam cương. Chính tâm thuật: Chẳng vướng thường Vụ bản nghiệp: Bảo nghề thương chẳng quèn.
Thương tiết kiệm: Ấy đáng khen Hậu phong tục: Giữ tâm đèn sáng thêm. Huấn tử để: Dạy con em Sùng chính học: Nói không thèm đạo man.
Giới dâm thắc: Chẳng dâm gian Chận phép thư: Để răn can mọi người. Quảng thiện hạnh: Chuyện tốt tươi” Mười điều răn dạy để đời thế gian.
13. Nhà Dưỡng tế: Thánh Tổ thương kẻ nghèo nàn Lập nhà Dưỡng tế, cắt quan cấp tiền. Người nào quan quả, ưu tiên Kẻ tàn tật cũng được quyền ở ăn.
14. Việc Đinh điền và Thuế má: Đinh điền, thuế má không tăng Người Minh Hương nộp sáu quan năm tiền. Thuế mỏ, sản vật y nguyên Thêm thuế ruộng muối bốn tiền ba mươi.
15. Việc võ bị: Võ bị cũng chẳng chây lười Pháo đài, tàu biển tuần nơi hiểm nghèo. Ba Doanh, mười lăm Vệ theo Toàn quyền Đô thống lái lèo Thủy binh.
Kinh binh cùng với Cơ binh Các Doanh, Vệ, Đội, thành hình Bộ binh. Kỵ binh và Pháo thủ binh Điểu thương, cờ, súng xập xình thần công. Tượng binh voi bốn mươi con Bộ, Thủy, Tượng, Kỵ và còn Pháo binh.
Sáu loại Binh chế triều đình. Thánh Tổ lệnh thế, quan mình có nghe! Trọng văn, khinh võ, hai phe Bỏ bê binh lực hằm hè gớm thay!
Chương III: THÁNH TỔ (1820-1840) |
[post_connector_show_children slug=”vi%e1%bb%87t-nam-s%e1%bb%ad-ca-l%e1%bb%a5c-b%c3%a1t-s%e1%bb%ad” parent=”2185″ link=”true” excerpt=”true”]