VIỆT NAM L ỤC B ÁT SỬ
NƯỚC VIỆT NAM (越 南) 1. Quốc hiệu: Hồng Bàng lập nước Văn Lang Âu Lạc, Thục Phán sửa sang bội phần.
Tượng Quận gọi bởi nhà Tần Hán diệt Triệu, xẻ ba phần nước Nam: Cửu Chân, Giao Chỉ, Nhật Nam Giao Chỉ, Đông Hán đổi làm Giao Châu.
Nhà Đường nước chiếm, nhà thâu: “An Nam đô hộ phủ”, sầu quốc vong! Nhà Đinh dẹp loạn sứ xong Đổi Đại Cồ Việt ngoài trong một lòng.
Sang đời nhà Lý Thánh Tông Xưng danh Đại Việt, tuyên ngôn sử hồng. Cùng thời, vua Lý Anh Tông “An Nam quốc” nhận gia phong Tống triều.
Bắc Nam tranh chấp tiêu điều Gia Long thống nhất, xây triều Việt Nam. Dân tình khổ cực đã cam Việt Nam, Minh Mệnh đổi làm Đại Nam.
Bá quyền chưa bỏ ý tham Phương trời đất Bắc nhúng chàm đảo điên. Sử vàng dệt một trường thiên Việt Nam hai chữ gắn liền tự do!
2. Vị trí, diện tích: Việt Nam chữ S quanh co Thắt lưng buột bụng, ấm no hai đầu. Xem qua số sướng, sang giàu Ai ngờ mấy kỷ vương sầu, xót xa!
Đông – Nam hai hướng đi qua Ký lô vuông khoảng vào ba trăm ngàn! Đông Nam rào cản Hải Nam Miếng mồi tranh chấp mộng tham của Tàu.
Miền Tây giáp giới Ai Lao Vương triều một cõi ngày nào: Cao Miên.
3. Địa thế: Bắc – Trung – Nam cả ba miền Gần Tàu ấm lạnh chia phiền với ta! Sông sâu nước thẳm Hồng Hà Thái Bình, miền Bắc phù sa đắp bồi.
Trời sinh núi cặp, người đôi Trung xuôi, Thượng ngược sinh sôi tháng ngày. Miền Trung cát trắng đong đầy Trường Sơn một giải trời mây thắm hồng.
Miền trong, ruộng nước khai thông Đồng Nai cuộn sóng sánh dòng Cửu Long. Chung tay gắng sức vun trồng Chen vai cuốc đất, cày đồng, trổ mương.
4. Chủng loại: Giống nòi chung một tình thương. Thái, Mèo, Chàm, Mán, Mọi, Mường, Khách, Vân… Người Kinh chiếm bảy, tám phần Sáu mươi sắc tộc góp phần giữ quê.
5. Gốc tích: Ta, Tàu, Tây đã thống kê: Tây Tạng đất tổ, cội bờ nam đông. Hoàng Hà cùng với Mê Kông Bắc có Việt – Thái, nam: dòng Tam Miêu.
Cội nguồn trên cũng là… điêu Ngón chân giao chỉ ít nhiều thiện chân. Lai ngàn năm dễ gì phân Trước sau dân cũng chuyên cần vạn năm.
Trăm năm cũng ánh trăng rằm Ngàn năm vẫn kiếp con tằm nhả tơ.
6. Người Việt Nam: Da vàng trọn nghĩa phu thê Thông minh, trí tuệ, trăm nghề thủ thân. Chữ “Lễ, Trí, Tín, Nghĩa, Nhân” Luân thường đạo lý đã phân rõ ràng!
Đàn bà mẫu mực, trung can “Tiết, Nghĩa, Cần, Kiệm” đảm đang việc nhà. Đàn ông giữ vững sơn hà Xông pha sóng gió xứng là… mày râu!
Dầu rằng vóc sắc Khác nhau Cho dù tốt, xấu cũng đâu Khác nguồn? Muôn lòng giữ cội, gìn khuôn Bắc – Nam kết một chiếc xuồng Việt Nam!
7. Sự mở mang bờ cõi: Rồng trong giếng cạn nào cam Tổ tiên theo biển phía nam mở bờ.
8. Lịch sử Việt Nam: Cha ông lập nước đến giờ Nếm khổ sở, sống vật vờ gió mưa. Tự cường, tự chủ vẫn thừa Sử xanh dệt để ngăn ngừa lũ lam.
Quyển I THƯỢNG CỔ THỜI ĐẠI 上 古 時 代 Chương I 1. Họ Hồng Bàng 鴻 龐 Đế Minh tuần thú Hồ Nam Cảm nàng tiên nữ, kết làm phu thê. Sinh ra Lộc Tục, bấy giờ Cùng anh nam bắc chia bờ mỗi phương.
Lộc Tục xưng Kinh Dương Vương Quốc hiệu Xích Quỷ liệu lường bão giông. Thần Nông cháu lấy nàng Long Con Đình quân cũng phi phong cốt thần. Sinh Sùng Lãm – Lạc Long quân Năm đời vương giả, đế nhân Khác phàm.
2. Nước Văn Lang 郎 (2879 – 258 trước Tây Lịch) Người xa bến bãi sông Lam Ta về Đồng Tháp không cam lỗi thề! “Giấy rách còn giữ lấy lề” Người Việt đâu cũng nhớ về chốn quê.
Lạc Long Quân lấy Âu Cơ Mười lăm bộ họp dưới cờ Văn Lang. Họ Hồng Bàng, giữ giang san Mười tám đời rạng ngai vàng Hùng Vương!
3. Chuyện cổ tích về đời Hồng Bàng: Giặc Ân thua bởi nhiễu nhương Thiên Vương Phù Đổng phi thường lớn mau. Núi cao theo nước nông, sâu Năm nào Sơn, Thủy tranh cầu Mỵ nương.
Sử xanh chép lại mà thương: Chử Đồng Tử khổ mới tường Tiên Dung. Lòng trời lượng cả bao dung Tu nhân, tích đức hòa chung tiếng cười.
Chương II NHÀ THỤC (258-207 trước Tây Lịch) 1. Gốc tích nhà Thục: Thục Phán lấy đất, chiếm người Văn Lang, Âu Lạc, đồng thời nhập chung. Thục – Tàu chẳng thể cùng vùng Khâm định Việt sử bàn cùng một chương.
2. Nước Âu Lạc: Phong ba, nắng gió ai lường Xây trang huyền thoại Mị nương ngậm ngùi. Hờn vây, oán trả nào nguôi Duyên tình tráo trở, bùi ngùi thế gian.
3. Nhà Tần đánh Bách Việt: Ai xui Thục chiếm Văn Lang Cho chàng Trọng Thủy lừa nàng Mỵ Châu. Giặc Tần gieo rắc thương đau Thục Phán – Bách Việt, lấy đầu Đồ Thư.
4. Nhà Thục mất nước: Loa thành nhà Thục thật, hư: “Nỏ thần trăm phát”? Gian mưu Triệu Đà: Se duyên, Thục – Triệu thông gia Đà mang giảo kế lừa nhà Thục Vương.
Xót nàng duyên gãy mà thương Tội nàng tình thiệt vạ vương rụng rời. Triệu Đà được nỏ, nuốt lời An Dương Vương phải bỏ đời giữa khơi!
Chương III XÃ HỘI NƯỚC TÀU VỀ ĐỜI TAM ĐẠI VÀ ĐỜI NHÀ TẤN Triệu – Thục hỗn chiến máu rơi Bên Tàu, nhà Hán đánh rơi họ Tần. 1. Phong kiến: Mỗi người thủ lãnh một phần Lập thành một nước, cống thần mỗi năm. Chư hầu có đến tám trăm Chia công, hầu, bá, tử, nam hưởng cùng.
2. Quan chế: Tam công, nhà Hạ ra khung: Đại khanh, Nguyên sĩ với cùng Cửu khanh. Nhà Ân, hai tướng, năm quan Sáu quan thái, sáu phủ đàn, sáu công.
Sáu quan, đặt bởi Chu Công Thiên, Xuân, Địa, Hạ, Thu, Đông, được thành. Thiên quan, cấp đứng đầu ngành Tên là Chủng tể, tuần hành ở trong.
Đại tư đồ giữ thương, công Giáo dục, cảnh sát, hội đồng: Địa quan. Đại tư mã, đầu Hạ quan Cầm binh phụng mạng, trị an nước nhà.
Tam công một chức đặt ra Quan trên chính sự, dưới là lục quan. Hành chính chẳng được cùng can Tam cô, Thái, Thiếu phó bàn chiến chinh.
3. Pháp chế: Đời Thái Tổ có năm hình Thêm roi da với đày mình: tội lưu. Nhà Ân, nhà Hạ, nhà Châu Lăng trì, mổ, muối, chặt đầu, xé thây…
4. Binh chế: Năm người, nhập ngũ binh ngay Quân, Sư, Súy, Lữ mỗi tay một phần. Thiên tử thì có sáu quân Nước nhỏ được một, chư thần được ba. Nhà, Tỉnh từ Nước mà ra Ấp, Khâu, Điện có cổ xa, trăm người.
5. Điền chế: Mười phần ruộng lấy một mươi Đi theo Phép cống tùy thời biến thiên.
Ân, Chu dùng phép Tỉnh điền Công, tư hoa lợi, nộp liền đức vua. Người nông của chẳng dư thừa Giàu nghèo cấp bậc thì chưa rõ ràng.
Lý Khôi, Chiến quốc, luật ban: Toàn dân làm ruộng, chẳng màng phép chi. “Thiên mạch” được mở tức thì Hai phép Cống, Tỉnh biệt ly, bất hoàn.
6. Học hiệu: Vua, quan, nếu có sinh con Vào trường Đại Học đọc mòn lễ, thư. Tiểu học dạy phép công tư Kính, nhường ứng xử, dùng từ khéo khôn.
7. Học thuật: Đời Chu có lắm danh ngôn Khổng, Lão lễ nghĩa tiếng đồn chẳng ngoa. Mặc Định kiêm ái, ôn hòa Hàn Phi, Quỷ Cốc sáng lòa hiếu nhân.
8. Phong tục: Công, thương, nông, sĩ đã phân Phu tùy, phụ xướng mười phần lễ nghi. Tổ tiên thờ phụng kính tri Đến đời Ngũ bá mất đi tục này. Văn minh Tần đã đổi thay Triệu Đà truyền luật mới này mọi nơi.
Chương IV NHÀ TRIỆU 趙 (207 – 111 trước Tây lịch) 1. Triệu Vũ Vương: Tránh cho máu chảy đầu rơi Triệu Vũ Vương mới chịu lời Hán Vương. Nam Việt một cõi nhún nhường Vua con yếu nhược, tính phương bán nhà.
2. Vũ Vương thụ phong nhà Hán: Vũ Vương lập nghiệp bên ta Bên Tàu, Hán diệt Sở là Lưu Bang. Cao Tổ thấy Vũ đăng quang Bèn sai Lục Giả chiêu hàng, tấn vương.
Kiêu căng, Vương mới coi thường Lục Giả phân giải hư tường, mới thông.
3. Vũ Vương xưng Đế: Khi Cao Tổ khuất ngôi rồng Lữ Hậu quay lại tranh dòng, lấn vua. Cấm quan hệ với bán mua Vũ Vương bất mãn mới xua lính càn.
Xưng làm Hoàng Đế lại gan Trường Sa đánh tới, mở màn chiến chinh. Quân Hán chẳng thuộc địa hình Không quen thủy thổ muôn tình bệnh đau. Quay đầu rút chạy về mau Thanh thế Vũ Đế ngầu ngầu đỉnh thiên.
4. Vũ Vương thần phục nhà Hán: Hán Văn Đế gởi thư riêng Lục Giả nhận biển, trao liền Vũ Vương.
“Trẫm nay mọi việc đã tường Lấy lại đất nước từ phường Lữ gian. Quần thần thúc ép đăng quang Nay thư gởi đến vua bàn chuyện binh.
Vì dân, trẫm mới cầu xin Trường Sa hỗn loạn, dân tình khổ đau. Nhà vua hãy rút binh mau Hai bên chiến loạn thêm sầu thế nhân.
Đôi lời trẫm đã tường phân Mộ phần đã sửa ở Chân Định rồi. Hai nơi mấy núi xa xôi Ganh nhau chẳng Khác chi nòi tiểu nhân”.
Lời thư tử tế hiền nhân Tin lời, Vũ Đế xưng thần Hán cao. Giáp Thìn, Triệu Vũ bãi trào Trăm hai mốt tuổi đi vào vạn thu.
5. Triệu Văn Vương: Văn Vương trí nhược, tâm nhu Lên ngôi, giặc giã biên khu loạn ngầu. Quân nhà Hán cứu binh nhau Mân Việt giết chúa nạp đầu mới yên.
Mời chầu, Trang Trợ phụng thiên Vũ Vương chẳng chịu mới liền gởi con. Anh Tề Thái tử tâm non Mười năm lạc nước nên mòn nghĩa quê.
6. Triệu Minh Vương: Nghe Vũ mất, Anh Tề về Lập hậu, xưng Đế đâu ngờ kẻ gian. Tư thông kiếm lợi hai đàng Cù bà vợ lẽ, ra màn cướp ngôi.
7. Triệu Ai vương: Minh Vương khi đã mất rồi Thái tử Hưng được lên ngôi trị vì. Hán sai Thái Qúi tùy nghi Cùng bà Thái hậu thị phi mập mờ.
Dụ con dâng nước, bán bờ Hai bên chỉ đợi đến giờ nạp ra. May nhờ Tể tướng Lữ Gia Vạch mưu Cù Thái hậu và Ai Vương.
Người Nam đánh Hán kiên cường Cho rằng vĩnh cữu, ai tường bại vong!
Quyển II BẮC THUỘC THỜI ĐẠI 北 屬 時 代 (111 tr. Tây lịch – 931 s. Tây lịch) BẮC THUỘC LẦN THỨ NHẤT 1. Chính trị nhà Tây Hán: Vũ Đế chiếm Đại Việt xong Đổi Giao Chỉ bộ mà hòng nuốt tươi. Thái thú, Thứ sử trêu ngươi Lạc hầu, Lạc tướng, chia người trực phiên.
Thạch Đái đóng phủ Long Yên Là quan thứ sử trước tiên quận này. Vương Mãng cướp Hán vào tay Tích Quang, Đổ Mục thẳng ngay chẳng về. Đến khi Quang Vũ yên bề Quang, Mục, Đặng Nhượng theo lề cống sang.
2. Tích Quang và Nhâm Diên: Thái thú Giao Chỉ: Tích Quang Khai hóa, dạy nghĩa cho hàng thứ dân. Nhâm Diên, Thái thú Cửu Chân Chăm lo khai khẩn, Canh Tân ruộng đồng.
Chương II TRƯNG VƯƠNG 徵 王 (40-43) 1. Trưng thị khởi binh: Thời kỳ Bắc thuộc long đong Thù chồng, khởi nghĩa, Châu Phong lập thề. Người Giao Chỉ lại cùng về Ba năm dựng nước theo cờ Nhị Vương.
Tô Định bạo ngược khôn lường Giết người Giao Chỉ không tường thị phi. Bắt Thi Sách đem giết đi Hai Trưng Trắc, Nhị tức thì khởi binh.
Con dòng Lạc tướng Mê Linh Đuổi quân Tô Định mà bình đất Nam. Cửu Chân, Hợp Phố, Nhật Nam Chẳng bao lâu hạ sáu lăm thành trì.
Xưng vua, lừng lẫy ai bì Mê Linh đóng phủ, uy nghi một miền.
2. Mã Viện sang đánh Giao Chỉ: Tân Sửu, Quang Vũ lệnh truyền Phục Ba Mã Viện, binh liền thẳng dong. Đoàn Chí cùng với Lưu Long Phó và thuyền tướng tháp tòng xuất chinh.
Hai bên giáp chiến tử sinh Hát Môn đẫm máu giấu hình Nữ Vương. Trung lưu nữ kiệt can trường Thua cơ Mã Viện, cùng đường nhảy sông.
Sông xanh nước chảy mênh mông Ghi trang quốc sử muôn dòng tiếc thương. Hồn thiêng phảng phất trong sương Hát Giang sông sáng soi gương Hai Bà!
Ba năm một cõi sơn hà Nghìn năm Bắc thuộc sao mà sánh qua! Anh thư, lịch sử nước ta Nữ vương chỉ có Hai Bà, chẳng ai!
Qúy Mão mồng sáu tháng hai Hương hoa khói tỏa tạc đài ngợi ca!
Chương III BẮC THUỘC LẦN HAI (43-544) I. NHÀ ĐÔNG HÁN: 1. Chính trị nhà Đông Hán: Nhà Đông Hán trị dân ta Tham tàn, hiếp đáp quả là Khuyển Ưng. Người Giao Chỉ khổ vô chừng Tìm vàng dưới biển, lên rừng kiếm châu.
2. Lý Tiến và Lý Cầm: Nhân tài bị bỏ, còn đâu Lý Cầm, Lý Tiến cùng nhau khẩn cầu. Hán Minh Đế ngẫm lời tâu Thăng quan chức hậu, nể nhau mấy phần. Trương Trọng đi sứ cầu thân Năm phần cứng cỏi, năm phân nhún nhường.
Nhìn người chớ có khinh thường Nhân tài trí dũng, ai nương tướng ngoài.
3. Sĩ Nhiếp (187- 226): Người nước Lỗ, đổ mậu tài Tránh loạn biên tái nên ngài đến ta. Đời Hiến Đế, năm thứ ba Trong Châu giặc giã, xin ra trấn ngoài.
Đình hầu thọ sắc phong rồi Tướng quân An Viễn đến hồi trị gia. Lấy điều phép tắc xây nhà Nhân dân trọng đức tôn là Sĩ Vương.
II. ĐỜI TAM QUỐC (220-265) 1. Nhà Đông Ngô (222-280): Đông Ngô thế mạnh Hùng Cường Nhà Đông Hán đã vào đường thế cô. Nước Tàu xé lẻ địa đồ Giao Châu lệ thuộc Đông Ngô Tôn Quyền.
Bính Ngọ, Sĩ Nhiếp quy tiên Sĩ Huy xưng Thái thú liền thế cha. Quảng Châu: Hợp Phố trở ra Giao Châu: Hợp Phố ngược mà trở đi.
Đái Lương cùng bọn Trần Thì Đem quân đến bắt Sĩ Huy phải hàng. Anh em năm kẻ liên can Bị giết bởi tội chịu hàng họ Tôn.
Bấy giờ, Ngô chủ tính khôn Hai châu Giao, Quảng phải dồn một Châu. Lữ Đại – Thứ sử đứng đầu Đem quân lấn chiếm chư hầu Cửu Chân.
2. Triệu Ẩu: Giao Châu, Giao Chỉ tương phân Thứ sử Lục Dận muôn phần ác tinh. Mậu Thìn, Quốc Đạt khởi binh Quân tôn nữ Triệu Thị Trinh đứng đầu.
Anh em bảo bọc cho nhau Ai ngờ gặp phải chị dâu chẳng hiền. Thị Trinh lập tức giết liền Lên rừng mộ lính, múa quyền, cỡi voi.
Non nhà lửa bỏng, dầu sôi Anh em Triệu Ẩu song đôi chém Kình. Anh hùng, nữ tướng kiên trinh Lục Dận lạc phách, hồn kinh lắm điều.
Theo mây về cõi tiêu diêu Non sông tạc tiếng: “Nhụy Kiều tướng quân”! “Tài trinh đệ nhất phu nhân Bậc chính anh liệt nữ thần” tỉnh Thanh.
3. Nhà Ngô chia đất Giao Châu: Nhà Ngô chặt cội, đẵng cành Đem đất Nam Việt chia thành hai Châu. Quảng Châu cùng với Giao Châu Quan Tàu Thái thú thay nhau bạo tàn.
Dân gian loạn lạc, mới bàn Giết quan Thái thú mà hàng Ngụy quân. Giao Châu mục, có Đào Hoàng Đầu Ngô, hàng Tấn để còn Giao Châu.
III. NHÀ TẤN (265-420) 1. Chính trị nhà Tấn: Thiên hạ, nhà Tấn đã thâu Thương nhà Ngụy mới phong hầu cháu con. Các thân vương vì sống còn Thi nhau thủ đoạn chẳng tròn đệ huynh.
Thiên tai tại thượng vô tình Xưng vương, xưng đế một mình, một sân. Hơn mười sáu nước tranh phân Ngũ Hồ loạn lạc muôn dân cực hình.
2. Nước Lâm Ấp quấy nhiễu Giao Châu: Bên trong chính sự bất bình Bên ngoài giặc phá, dân tình oán than. Giặc Lâm Ấp muốn thi gan Phạm Hùng cướp cạn, quân càn Nhật Nam.
Canh Thân, Tuệ Độ đã làm Giao Châu Thứ sử diệt Chàm trị yên. Phạm Hồ Đạt được mấy niên Bị Chư Nông phản cướp quyền, hỏng xôi!
Khi Phạm Dương Mại chiếm ngôi Nam Bắc triều đã phân đôi nước Tàu. Đông Tấn và Tống đánh nhau Vua Lâm Ấp mới gây sầu Giao Châu.
IV. NAM BẮC TRIỀU (420-588) 1. Tình thế nước Tàu: Canh Thân, Lưu Dụ mưu sâu Cướp ngôi Đông Tấn chia nhau Bắc triều. Giao Châu phụ thuộc Nam triều Ngụy, Tề, Chu đế gây điều ngoại xâm.
2. Việc đánh Lâm Ấp: Nói về họ Phạm ngấm ngầm Ngôi người Khác lại rộ rầm cướp đi. Thấy Tàu nội loạn ra chi Sai cống nhà Tống bảo trì Giao Châu.
Tống triều nào há chịu đâu Họ Phạm kia mới hái dâu nhử tằm. Hòa Chi, Tông Xác đã căm Mang binh sang đánh, Phạm ngầm chạy mau.
Đàn Hòa Chi vội tóm thâu Người vàng một tượng, báu châu chật nhà. Gian tham chẳng đổi thật thà Vàng kia cái lộng cũng là con dao. Hòa Chi rớt chức, mất bào Giao Châu Thứ sử lộn nhào, hỡi ôi!
3. Sự biến loạn ở đất Giao Châu: Kỷ Mùi, nhà Tống mất ngôi Nhà Tề kế nghiệp không thôi cướp giành. Nhà Lương khởi sự máu tanh Tiêu Tư tàn bạo lòng đành dửng dưng.
Chương IV NHÀ TIỀN LÝ 前 李 (544-602) 1. Lý Nam Đế (544-548): Giao Châu thóc chín lưng chừng Thân trâu, kiếp ngựa vang lừng trống khua. Ngoài biên, giặc Tống hơn thua Bên trong, Lâm Ấp vào mùa phá ranh.
Bên Tàu, lưỡng thổ phân tranh Tề vừa phế Tống, Lương thanh toán Tề. Tham tàn thái thú, người ghê Hùng tâm, Lý Bí giương cờ diệt gian.
Vạn Xuân thoát cảnh lầm than “Thái bình thiên đức“, xua tan bóng tà. Bình minh chiếu sáng sơn hà Thanh Bình tự chủ như là đến phiên!
Nghe qua, Lương Đế đảo điên Xua quân lấn chiếm, Bá Tiên phụng quyền. Thua đi, thắng lại truân chuyên Lý Bôn quyết định trao quyền Triệu Vương.
2. Triệu Việt Vương (549-571): Triệu Việt Vương – Dạ Trạch Vương Trung kiên dạ tướng, cung thương quật cường. Thông gia Phật Tử, lầm đường Nhằm tin rể phản, nào lường vạ, may!
3. Hậu Lý Nam Đế (571-602): Tranh ngôi, Phật Tử ra tay Hậu Lý Nam Đế thua ngay nước Tùy. Giao Châu hết thịnh thì suy Ba trăm năm lẻ chịu quỳ Bắc phương!
Chương V BẮC THUỘC LẦN THỨ BA (603 – 939) I. NHÀ TUỲ (589-617) Việc đánh Lâm Ấp: Nhà Tùy sai tướng Lưu Phương Sang đánh Lâm Ấp xem dường ý gian. Vì đồn Lâm Ấp lắm vàng Phạm Chí chạy, Phương giữa đàng bệnh… thăng! Giết người, cướp của nên chăng Mạng đi thay của họa rằng đã vương.
II. NHÀ ĐƯỜNG (618-907) 1. Chính trị nhà Đường: Mậu Dần, Tùy mất bởi Đường Tân Tỵ, Cao Tổ phô trương thế ngoài. Cắt Đại tổng quản trông coi Cùng việc cai trị coi mòi ở lâu. Khâu Hòa quản đất Giao Châu Ngang tàn, bạo ngược như nhau, một phường!
2. An Nam đô hộ phủ: Nhà Tùy tiếp đến nhà Đường Đời nào cũng vẫn coi thường Giao Châu. Dân ta lệ thuộc vào Tàu Mười hai mảnh đất chư hầu ngó nhau!
3. MAI HẮC ĐẾ (722): Nhằm trừ giặc cướp nương dâu Họ Mai một cõi Hoan Châu đứng đầu. Nhỏ người, sức khỏe tựa trâu Thúc Loan mặt mũi, mày râu đen sì!
Xưng vua Hắc Đế gây uy Đánh nhau nổi tiếng gan lỳ tướng quân! Anh hùng, thất thế sa chân Họ Mai bỏ chốn phong trần, lánh xa.
4. Giặc bể: Tân Tỵ có quân Đồ Bà Ngoài bể vào phá non nhà Côn Lôn. Ra vào cướp giật cô thôn Quan Kinh lược đánh, hoảng hồn chạy nhanh. Trương Bá Nghi xây La thành Phòng ngừa cướp đánh và canh cướp ngầm.
5. Bố Cái Đại Vương (791): Họ Quang kia thật là thâm Làm quan bảo hộ chuyên nhằm vét vơ! Nhân dân ta, lúc bấy giờ Sưu cao, thuế nặng hai bờ chẳng cam.
Phùng Hưng vốn ở làng Cam Vùng lên giết chết quan tham Chính Bình. “Đại Vương Bố Cái“ thâm tình Thương thay yểu mạng, vô hình thở than.
6. Việc đánh nước Hoàn Lương: Phùng An nhút nhát cầu an Cha giành độc lập, con hàng giặc Xương! Nhà Đường đánh nước Hoàn Lương Giết người Mường, Mán, ăn lường thảm thương!
7. Nam Chiếu cướp phá Giao Châu: Tư thù, Mán tộc và Mường Xui người Nam chiếu cướp đường Giao Châu. Tranh nhau đến loạn xà ngầu Mười năm đổ máu đi chầu Diêm Vương!
8. 9. Cao Biền bình giặc Nam Chiếu. Công việc của Cao Biền: Cao Biền tướng giỏi nhà Đường Tinh thông sách học, làu thường tướng môn. Trừ căn, tính quẻ Càn Khôn… Bình quân Nam Chiếu, huyệt môn yểm trừ.
10. Sự trị loạn của nước Tàu: Vua mà chính trực công tư Nhân gian chẳng hát khúc từ “Sâm Thương”! Hưng – Suy, nghĩ cũng là thường Ta – Tàu nội loạn, sa trường tử thương.
III. ĐỜI NGŨ QÚY (907-959) 1. Tình thế nước Tàu: Bên Tàu, Ngũ Quý phân vương: Hậu Đường, Hán, Tấn, hậu Lương, ngũ vùng. Hậu Chu: năm nước xưng hùng Để Khúc Thừa Dụ được cùng tấn quan.
2. Họ Khúc dấy nghiệp: Khúc Thừa Dụ (906-907) Giao Châu, họ Khúc xây làng Người giàu tốt bụng, không màng dã tâm.
3. Khúc Hạo (907-917): Làm quan chỉ độ tròn năm Trao quyền Khúc Hạo lo chăm nước nhà.
4. Khúc Thừa Mỹ (917-923): Khúc Thừa Mỹ, nối nghiệp cha Mất lòng phải vạ, họa nhà: Tù binh! Khúc cha đại nghĩa thâm tình Khúc con chính nghĩa thường tình bỏ đi!
5. Dương Diên Nghệ và Kiều Công Tiễn: (931-938) Lý Khắc Chính ác ai bì Nên Dương Diên Nghệ mới vì Khúc gia. Đánh cho Lý Tiến chạy xa Dạy cho Khắc Chính biết ta, biết mình!
Ai ngờ nội phản, tham sinh Kiều Công Tiễn lại vong tình, giết đi! Gian thần, lịch sử còn ghi: Trong lo thí chúa, ngoài thì loạn tâm.
Ngô Quyền khởi nghiệp Đường Lâm Căm phường phản chúa, kiên tâm báo thù. Kiều Công tiếng xấu thiên thu Tìm đàng cứu viện quân thù: Hán Vương.
Hoằng Tháo: Thái tử bắc phương Xâm lăng chẳng thấy con đường hiểm sâu. Ngô Quyền sai vót nhọn đầu Đằng Giang đóng cọc chìm sâu xuống dòng. Gian thần phải tội bên trong Bạch Đằng Giang sóng đầy chông giết thù.
Ngô Quyền đức trí cương – nhu Quăng đi cái ách nghìn thu thuộc Tàu. Danh thơm, tiếng mãi về sau Non sông gấm vóc cùng nhau bảo toàn.
Chương VI KẾT QỦA THỜI BẮC THUỘC 1. Người nước Nam nhiễm văn minh của Tàu: Theo dòng lịch sử tính toan Ngàn năm Bắc thuộc gì còn nước ta! Hay, dở từ ấy mà ra Luân lý, phong tục ruột rà với nhau.
2. Nho Giáo: Theo gương “trung hiếu” làm đầu “Để” “Thử” là gốc, làm câu sửa mình. Nho gia, lý tưởng anh minh Luân thường đạo lý thâm tình sử xanh.
Làm người trọng nghĩa, khinh danh Ai ai cũng thể cây xanh, hiệp hòa. Tăng, Sâm, Khổng Tử đề ra Đi qua Khổng Cấp, Mạnh Nha, đạo thành.
Nho gia vất vả trường sanh Thủy Hoàng đốt sách, máu tanh học trò! Đời Cao Tổ, đạo thịnh to Nhà Hán bớt khó nên cho mở trường.
Đạo nào mà có chủ trương: Lập trường “Nhân-Nghĩa“: Đạo đường Việt Nam.
3. Đạo Giáo: ”Vô tri, điềm tỉnh”, trừ tham Không dùng “Trí Lực” mà cam khổ mình. Đạo giáo triết học cao minh. Tu tâm, trị nước mô hình “trường sinh”.
Lý Đan nước Sở phát sinh Làm dây “Tầm Gởi” qua mình nhà Chu. Quên chuyện tình, lo ”chuyên tu” Cho mình “bất tử” mà đu với đời.
Trương Đạo Lăng, quả gặp thời Tần, Đường, Hán mới tin lời viễn vong. Đồng hành tiên thuật, hạnh thông Hoàng Cân Trương Giác, Cát Hồng nối nhau.
Tử – Sinh vốn đã từ lâu ”Trường sinh” ai đã được đâu, phép màu?
4. Phật Giáo: Đời người đầy ải khổ đau “Sinh, lão, bệnh, tử”, nỗi sầu biến thiên. Luân hồi kiếp bởi nhân duyên Làm sao thoát được ưu phiền thế gian?
Đức Thích Ca đã không màng Quên thân Thái tử, tìm đàng Phật ngay. “Niết bàn” khi đã rũ tay Bất sinh, bất diệt thành thầy Phật gia.
Bà-La-Môn, gốc Thích Ca Từ Ấn Độ đã đi qua nước Tàu. Rồi vì “Tông Chỉ” Khác nhau. Nên Phật tích đổi ra màu Phật kinh.
Nhà Đông Hán có Huệ Sinh Thái Am với Tống Vân tinh Phật đàn. Vua Đường hạ chiếu Huyền Trang Đi sang Thiên Trúc, Kinh mang phổ truyền.
“Tây Du Ký“, động địa thiên Ngô Thừa Ân viết giải phiền chúng sinh. Bao nhiêu ý nghĩa thâm tình Bao nhiêu ẩn chữ mang hình tử sinh.
Tiền Lê, nhà Lý, nhà Đinh Thịnh hành đạo Phật; Nho vinh Lý – Trần. Quốc đạo thống nhất bất phân Đạo nào cũng đã góp phần đấu tranh!
5. Sự tiến hóa của người nước Nam: Nho, Phật, Lão phát triển nhanh Dân ta tín ngưỡng theo thành thói quen. Cần dùng, cách chống ươn hèn Tranh đua chẳng phải bon chen cạn cùng.
Ta – Tàu tục lệ như chung Văn minh nước Việt, không sùng bái Tây. Gì của Tàu, cũng cho hay Tiến hóa chẳng mấy, loay hoay kém người.
Quyển III TỰ CHỦ THỜI ĐẠI (Thời kỳ thống nhất) 自 主 時 代 Chương I NHÀ NGÔ 吳 (939-965) I. 1. Tiền Ngô Vương (939-944): Ngô Quyền nối tiếp ngôi trời Xưng Vương, Kỷ Hợi, sáng ngời Cổ Loa. Sáu năm chỉnh đốn gần xa Giáp Thìn, chèo chống sơn hà, hết duyên.
2. Dương Tam Kha: (945-950): Tam Kha em vợ cướp quyền Xưng Bình Vương phản, đời nguyền rủa không? Non nhà ngập cảnh bão giông Xương Ngập trốn ở Lịnh Công đợi thời.
3. Hậu Ngô Vương (950-965): Xương Văn, em ruột thay lời Giam cha nuôi – cậu, vạ trời tạm qua. Người nhà, chẳng giết, nên tha Truyền cho giáng chức còn là lệnh Công. Cùng anh, trị quốc song song. Hai vua một nước theo dòng Hậu Ngô.
Anh em dựng lại cơ đồ Như tình Trắc – Nhị cùng khô máu đào. Hiềm rằng đại loạn gươm đao Công Ngô Quyền đã rơi vào đáy sông!
II. THẬP NHỊ SỨ QUÂN (945-967): Thổ hào Trần Lãm, Kiều Công Thái Bình, Cảnh Thạc với dòng Nguyễn Khoan. Lý Khuê, Nguyễn Siêu sống còn Lữ Đường, Khánh, Thuận thủ đòn Tá Công. Đằng Châu, Bạch Hổ, Phạm Phòng Tranh ngôi, trở mặt, sanh lòng đánh nhau.
Chương II NHÀ ĐINH 丁 (960-980) 1. Đinh Tiên Hoàng (968-979): Họ Đinh – thứ sử Giao Châu Con là Bộ Lĩnh chăn trâu Khác thường. Thông minh, khí chất quân vương Cờ lau tập trận, người thường nể danh.
Thương người trí dũng, hùng anh Trần Minh Công mới phong thành tướng quân. Hoa Lư tiếng đã vang lừng Đem quân bắt giết, thanh trừng loạn quan.
Bộ Lĩnh khí chất cao sang Sứ quân thập nhị quy hàng bốn phương. Vinh tôn đức “Vạn Thắng Vương” Lên ngôi hoàng đế Hùng Cường nước Nam.
Bên Tàu, họ Triệu tham lam Hậu Chu – Khuông Dận gian phàm giống nhau. Mở đường ”Nam tiến” trước sau Tiên Hoàng tính kế: Hòa nhau Tống Triều.
Ngoài yên, triều cống kẻ kiêu Bên trong lập tức ra điều dạy quan. Dầu sôi giữa điện phòng gian Nuôi đàn hổ dữ ngăn can phản thần.
Quân binh ngũ hạng mà phân: “Đạo, Quân, Lữ, Tốt, Ngũ” quân vạn hàng. Chừng như ổn thỏa giang san Phế trưởng, lập út, Tiên Hoàng chết oan!
Sử rằng: Đỗ Thích tính toan… Giết Tiên Hoàng cướp ngai vàng hưởng hơi. Đêm nằm mộng thấy sao rơi Cho mình số Đế khơi khơi, mới lầm.
Đời người dễ được trăm năm Làm con giòi chết, tiếng tăm để đời!
Nam Việt Vương – Liễn, một thời Lẫy lừng trận mạc, ngôi rơi mới cuồng. Giết em cũng giống một tuồng Bị người giết lại rặc khuôn sử Tàu.
Tội đồ Đỗ Thích trước sau Đình thần bắt được chặt đầu, bệu thây. Cùng ngày, Đinh Tuệ lên ngay Nhiếp chính: Thái hậu cùng thầy họ Lê.
2. Phế Đế (979-980): Nước nguy, vua bé, mập mờ Lê Hoàn, Thái hậu đến giờ tự thông. Vua – chồng chết cũng coi không Xem ra chẳng phải là dòng chính chuyên!
Ai người dựng tích mà truyền Khen Dương Thái hậu người hiền, thiện chân?! Đinh Điền, Nguyễn Bặc trung thần Can ngăn đổi chúa, nhận phần thảm thê!
Vừa phiên Tống đế thừa cơ Vua còn nhỏ dại, giương cờ xâm lăng. Tướng quân họ Phạm bàn rằng: – Ai luận thưởng, phạt? Chi bằng phế vua?
Dù trong, quả thật hơn, thua Nhưng ngoài đánh giặc cần vua có tài. Thái hậu có một không hai Lột áo con mặc, chuyển ngai họ Hoàn!
Đinh Triều thế phổ cung son Hai vua, mười bốn năm tròn phải cam!
Chương III NHÀ TIỀN LÊ 前 蔾 (980-1009) 1. Lê Đại Hành (980-1009): Lê Hoàn ở tỉnh Hà Nam Xưng Hoàng đế bởi không cam rợ người. Hay rằng Tống chúa mười mươi Manh tâm lấn chiếm, ăn tươi nước mình. Vẽ vời binh vực nhà Đinh – “Ba đời truyền tập“, bất bình xuất chinh.
2. Phá quân nhà Tống: Lưu Trừng thống lĩnh thuỷ binh Toàn Hưng, Nhân Bảo: Lục binh đánh tràn. Đại Hành giữ Bạch Đằng Giang Trá hàng giết chết Hầu gian, địch tàn.
Non nhà thắng lợi vinh quang Cho rằng chẳng thể sánh ngang Tống trào. Thôi thì… để Tống trên cao Người Nam chịu cống miễn sao được lành.
3. Đánh Chiêm Thành: Đại Hành đối Tống đã thành Đánh Chiêm vì lỗi giam đành sứ ta. Bắt người, lấy của chẳng qua Chỉ là bắt chước người ta đấy mà!
4. Việc đánh dẹp và sửa sang trong nước: Sửa sang trong nước, triều ca Tử An cùng với quan nha họ Từ. Phạm, Ngô sách lược, binh thư Đại Hành rảnh rỗi dẹp trừ Mường qua.
Năm Ất Tỵ, vua băng hà Hăm bốn năm Đế, phước nhà sáu lăm. Công lao xóa trắng lỗi lầm Người dân nước Việt rầm rầm ngợi ca.
Thanh danh lừng lẫy gần xa Buồn thay! Cốt nhục toàn là bạo quân. Anh lo đấm đá tưng bừng Giành ngôi thể chẳng chưa từng đệ huynh!
5. Lê Trung Tông (1005): Đăng cơ, thái tử vạ rình Ba ngày tại vị, đầu mình… rớt êm! Long Đĩnh ngày ác, dâm đêm Giết em Long Việt, đã thèm thú riêng!
6. Lê Long Đĩnh (1005-1009): Lê Ngọa Triều quả vua… điên Ác bằng Kiệt, Trụ lại ghiền máu tanh. Hành người Khác, tính trời sanh Tẩm rơm đốt sống đã thành trò chơi.
Đẳng cây, người té khơi khơi. Đầu sư: Róc mía, vẽ vời xảy tay! Giữa triều trò nhái, vua bày Đem người bỏ sọt, ban ngày thả sông!
Vua nòi “khát máu, tanh dòng” Ăn chơi trụy lạc, không lòng nghĩa nhân. “Ngọa Triều” cho đáng tấm thân Ngàn năm bia miệng hại dân, để lời.
Tiền Lê truyền dẫn ba đời Hăm chín năm Đế, hết thời, công… toi!
Chương IV NHÀ LÝ 李 (1010-1225) I. LÝ THÁI TỔ (1010-1028) Niên hiệu: Thuận Thiên 順 天 1. Thái tổ khởi nghiệp: Công Uẩn được chọn lên ngôi Họ Lý khởi nghiệp quê ngoài Bắc Ninh. Tương truyền chỉ có mẹ sinh Nhân khi mộng thấy ”thất trinh” với Thần.
Khánh Văn nuôi dưỡng, đỡ đần Vừa ba tuổi đã quen dần kệ kinh. Chìu theo thế thái nhân tình Dời đô ý sẵn cho mình phát quang.
2. Dời đô về Thăng Long thành: Thái Tổ mộng thấy điềm sang: Rồng vàng uốn khúc bay ngang chánh thành. Đại La đổi Thăng Long thành Con Rồng cháu Thánh, xứng danh Lạc Hồng.
3. Lấy kinh Tam Tạng: Đời Lý, đạo Phật đã thông Đạo Thanh, Phạm Hạc bỏ công tới Tàu. Mang kinh Tam Tạm truyền nhau Chùa chiền, chuông đúc có hầu mọi phương.
4. Việc chính trị: Nhận phong Giao Chỉ Quận Vương Chiêm Thành, Chân Lạp cũng đương thái bình. Các hoàng tử giỏi cầm binh Công chúa thu thuế quân bình mỗi năm.
Công Uẩn thọ đến năm lăm Mười chín năm Đế, thâm trầm thiện lương.
II. LÝ THÁI TÔNG (1028-1054) Niên hiệu: Thiên Thành 天 成 1. Lê Phụng Hiểu định loạn: Hoàng triều phải cảnh tai ương Hoàng tử thì lại như phường bọ sâu. Giữa triều, lấy nghĩa can nhau Không nghe, Phụng Hiểu chém đầu Võ Vương!
Đông Chinh, Dực Thánh cùng đường Hai vương rớt lại coi dường chịu thua. Thương tình cốt nhục, nhà vua: ”Chức cũ không được hơn thua, hãy dùng”.
2. Sự đánh dẹp: Nhà vua trước dẹp giặc Nùng Sau bình Chiêm cũng là cùng giúp dân. Thái Tông vốn thật từ nhân Thứ tha Nùng Trí, nới chân kẻ thù. Thương dân, tiếng để thiên thu Người nào có tội được bù chuộc thân.
3. Giặc Nùng: Trí Cao chẳng chịu yên phần Xưng là Hoàng Đế mở dần Đại Nam. Tám Châu chiếm lấy vì tham Địch Thanh phá trận, Trí cam mất đầu.
4. Đánh Chiêm Thành: Chiêm Thành quấy nhiễu từ lâu Thái Tông ngự giá tiến sâu Phật thành. Tướng Chiêm phản chúa đoạn đành Chém đầu Sạ Đẩu để thành quốc vong.
Thái Tông trông thấy động lòng Lệnh truyền các tướng chớ hòng giết dân. Bắt vương phi với cung nhân Ê Mị giữ tiết gieo thân giữa dòng.
5. Việc chính trị: Chăm lo muôn việc ngoài trong Hoàng nam, cấm bán làm dòng bộc nô. Đường quan lộ mở ra vô Thêu thùa, cung nữ, gia nô có phần.
Hăm bảy năm đã trị dân Vua hiền, con thảo mẫn cần chí tôn.
III. LÝ THÁNH TÔNG (1054-1072) Niên hiệu: Long Thụy Thái Bình 龍 瑞 太 平 1. Việc chính trị: Thái Tông tiên đế di ngôn Cho con thái tử Nhật Tông kế vì. Thánh Tông lấy hiệu hợp thì Đổi nước Đại Việt, trị vì sắc son.
2. Lất đất Chiêm Thành: Gương hiền hiếu độ làm con Còn thêm trí dũng song toàn phá Chiêm. Ba Châu, mới được thâu thêm Chế Cũ sợ chết mà đem biếu ngài.
Hậu tiền, tả hữu phân hai Điều binh khiển tượng, đem tài giữ ngai. Chu Công một bức tượng đài Thờ Khổng Tử với bảy hai loại người.
Ngài qua cái tuổi năm mươi Ngai vàng đã ngự đúng mười bảy năm.
IV. LÝ NHÂN TÔNG (1072-1127) Niên hiệu: Thái Ninh 太 寧 1. 2. Ỷ Lan Thái Phi. Lý Đạo Thành: Năm Tý được lợi chữ Nhâm Nhân Tông bảy tuổi, thiên mầm nổi danh.
Ỷ Lan, mẹ được buông mành Làm Thái Phi cạnh Đạo Thành Thái sư. Cùng nhau Phụ chính thanh trừ Tôi hiền, tướng giỏi công tư rõ ràng.
3. Việc sửa sang trong nước: Vua cho mở cuộc thi văn Trường Quốc Tử Giám sánh bằng Hàn Lâm. Võ, Văn chín phẩm lao tâm Vua Chiêm, Tống Đế ngấm ngầm đánh ta.
4. 5. Việc đánh nhà Tống. Nhà Tống lấy đất Quảng Nam: “Thơ Thần” đã được truyền ra Lý Thường Kiệt viết như là thánh thư: “Sơn hà, Nam quốc đế cư Tiệt nhiên định tự thiên thư” ngọn ngành. “Như hà nghịch lỗ lai” tranh “Hành khương nhữ đẵng” thanh danh phí phàm.
“Nước Nam là của người Nam” Thơ Thần đã được dùng làm chánh ngôn. Non sông hợp nhất càn khôn “Tuyên ngôn độc lập” trường tồn khắp nơi.
Thường Kiệt danh sáng rạng ngời Bình Chiêm, Phá Tống dù ngoài bảy mươi. Danh ngang Lã Vọng nước người Cho nhân dân Việt tiếng cười tự do.
Dân tình hưởng phút ấm no Trời Nam nhuộm trắng Cánh cò ngã nghiêng. Nhân Tông cưỡi hạc quy tiên Con Hoàng, cháu Đế, Hầu Hiền thế ngôi.
Chương V NHÀ LÝ (Tiếp theo – 1010-1025) V. LÝ THẦN TÔNG (1128-1138): Niên hiệu: Thiên Thuận 天 順 . Tương truyền thế tử nằm nôi Là con cầu tự, đến hồi hóa thân. Từ Đạo Hạnh, đạt thiện chân Chùa tu một đấng, chẳng cần tranh đua.
Cháu vua đã được làm vua Hiền từ đức độ không thua kém gì! Giúp vua giữ vững ngôi vì: Anh Nhị, Bá Ngọc, quan tri Khánh Đàm.
Nương vườn, lính đổi phiên làm Tù nhân đại xá, An Nam thái bình. Ngài là một đấng hiền minh Mười năm tại vị, trời sinh phước nhà.
VI. LÝ ANH TÔNG (1138-1175) Niên hiệu: Thiệu Minh 紹 明 1. Đỗ Anh Vũ: Phụ chính vua nhỏ lên ba Có bà Thái hậu nết nhà chẳng chuyên. Dám cùng Anh Vũ đưa duyên Lộng quyền quá độ, căn nguyên mọi đường.
Bá quan mưu sự, đáng thương Tự Minh, Vũ Đái, Quốc, Dương rụng đầu! Thái hậu dám cướp ngôi đâu Tô tướng phụ đã đỡ đầu bệ cao.
2. Tô Hiến Thành: Hiến Thành hữu dũng lược thao Giúp chúa đánh dẹp giặc Lào, nước yên. Ngưu Hống phải chạy như điên Thân Hợi bị bắt, Thái Nguyên được bình. Thái tế vốn trọng thâm tình Quan chức lớn vẫn giữ mình sáng sao.
3. Giặc Thân Lợi: Thái Nguyên, Thân Lợi loạn trào Xưng con thiên tử năm nào: Nhân Tông. Tô Hiến Thành dẹp mới xong Xuất gia tham vọng, vướng vòng tội vong.
4. Việc chính trị: Giáp Thân, nhà Tống sắc phong An Nam vương quốc cho xong mọi bề. An Nam tên nước bấy giờ Đem con giao Thái phó, nhờ gởi trao Lý Anh Tông bệnh, thoái trào Ngôi ba mươi bảy, thọ vào bốn mươi.
VII. LÝ CAO TÔNG (1176-1210) Niên hiệu: Trinh Phù 貞 符 1. Tô Hiến Thành làm phụ chánh: Thái hậu đã muốn đổi người Lập Long Xưởng tính nuốt tươi ghế vàng. Đem tiền của lót mọi đàng Họ Tô từ chối, lòng vàng dễ mua?
Trung thành chẳng tính hơn thua Vâng theo chiếu chỉ ngôi vua luận bàn. Giàu sang phú quý không màng Cùng Gia Cát Lượng ngang hàng, quý sao!
2. Sự nội loạn: Tiếc rằng vua ở ngôi cao Khi Hiến Thành mất, sa vào cuộc chơi. Làm cho nội loạn tơi bời Phạm Du, Quách Bốc ngôi trời quyết đua.
Hai mươi lăm tuổi, xế mùa Mất năm Canh Ngọ, về chùa khói hương.
VIII. LÝ HUỆ TÔNG (1211-1225) Niên hiệu: Kiến Gia 建 嘉 1. Trần Thị: Thái tử Sam nối tông đường Yêu Trần thị, phá cương thường lập Phi. Trần thị giàu có, kiêu lỳ Cha đêm đánh cá, ngày thì phá dân.
Họ Trần có một chút ân Đỡ đần thái tử sa chân ở đời. Có nhan sắc nên gặp thời Lấy Thái tử hưởng phước trời Thứ phi.
2. Quyền về họ Trần: Thái hậu tìm cách giết đi E rằng vua quá yêu vì, họa mang. Vua mê nàng, đem giang san Chín đời Lý gán cho quan Độ liền.
Vua thân mắc phải cơn điên Nên Trần Thủ Độ toàn quyền ghét thương. Đi tu khi biết nhầm đường Vì thương gái út nên nhường ghế cha.
IX. LÝ CHIÊU HOÀNG (1225) Niên hiệu: Thiên Chương Hữu Đạo 天 彰 佑 道 Không trai, số tại mình ra Sinh hai công chúa, chị là Thuận Thiên. Cùng vương Trần Liễu se duyên. Em là Chiêu Thánh, tục truyền Phật Kim.
Huệ Tông quý mến thiên kim Giang sơn gấm vóc, ngài đem tặng nàng. Chiêu Thánh công chúa đăng quang Thủ Độ ép chuyển ngôi sang phía chồng.
Hai trăm mười chín năm ròng Họ Lý đã chấm dứt dòng lập vua! Danh thơm đâu dễ mà mua Vì dân sao lại hơn thua lỗ lời?
Thi đua giữ nước chín đời Việt Nam cường thịnh sáng ngời một nơi. Cuối đời, vua chỉ ham chơi Huệ Tông nhu nhược mới thời cáo chung!
Chương VI NHÀ TRẦN (1275-1400) |
[post_connector_show_children slug=”vi%e1%bb%87t-nam-s%e1%bb%ad-ca-l%e1%bb%a5c-b%c3%a1t-s%e1%bb%ad” parent=”2185″ link=”true” excerpt=”true”]