Sự sống, chết ở đời nhiều khi người đời tưởng như là một giấc mơ. “Mới đó”, – cũng không phải là hôm qua, hôm kia, mà có khi mấy chục năm qua rồi, người ta cũng tưởng như mới hôm qua. Vậy mà nay, không còn nữa. Ranh giới giữa hai bề sống chết, thường là một khoảng thời gian rất ngắn, sách Phật gọi là “sát-na”. Và hồn lìa khỏi xác, tưởng thế là xong; xong với người ra đi, nhưng còn đó, dài lâu với người ở lại.
Theo quan điểm tổ tiên, người chết rồi là yên phận, nhưng với người sống thì chẳng yên chút nào. Tôi có đọc một câu thơ:
Nửa đêm giật mình,
Chùi hai dòng lệ.
Không phải vì tôi thương tôi,
Cô quạnh!
Mà thương người vắn số.
Bao nhiêu tuổi mà vắn số? Không thể nói bao nhiêu tuổi. Đối với người còn sống, người chết đi bao giờ cũng là vắn số! Vắn số là vì tình thương, không vì già hay trẻ!
Vì nhớ thương nên người còn lại có khi phải đi tìm. Vua Tự Đức (hay Nguyễn Gia Thiều?) từng đi tìm như thế. Khi người còn, người thường đứng soi gương. Nay người đi rồi, đập bể gương để tìm người coi còn đó hay không? “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng”. Gương thì bể mà người thì có tìm thấy đâu?!
Đinh Hùng cũng vậy. Ông hỏi: “Trời cuối thu rồi em ở đâu?”
Cuối hay đầu thu có Khác gì nhau? Mùa Hạ, ngày dài đêm ngắn, nắng sáng, trời trong. Thành ra cảnh “âm” xa ra ít nhiều. Khi mùa hạ qua đi, ngày ngắn, đêm dài, nắng cũng dịu, trời đầy mây, hơi sương lạnh cũng thấm đậm nhiều hơn. Thành ra người đời có cái cảm nhận, cái âm càng ngày càng xiển dương, mà cái dương cũng thu ngắn lại. Ấy là lúc “âm thịnh dương suy!”
Cái “âm thịnh” dễ xui khiến người ta nhớ tới người đã khuất. Ấy cũng là lúc “Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt”. Mưa dầm hay dòng lệ thương người đã khuất.
Trước đây, hơn mười năm, tôi có viết bài “Mùa Thu trong thi ca Việt-Nam”. Nhà báo, mà cũng là một người học trò cũ của tôi trước đây sáu mươi năm: ông Ngô Vương Toại, đặt tên bài tôi viết là “Một chút tình thu”. Nay ông Toại cũng ra người thiên cổ. Tôi thì còn lại đây, nhưng quanh tôi, người thân, kẻ sơ, cũng biết bao nhiêu người ra người thiên cổ. Mà vợ tôi, cũng là một nửa đời của tôi, cũng đã đi vào cõi hư vô, làm cho tôi tưởng như đời tôi mười phần mất hết chín; mỗi ngày hôm sớm, ra vào thắp nhang, pha trà, cầu nguyện, rất lắm khi âm thầm mắt mờ vì lệ. Đành chịu vậy! Biết tâm sự với ai bây giờ! “Ai tri âm đó mặn mà với ai!”
Cái thiên cổ của người ra đi, chính là cái “Thiên cổ sầu” của người ở lại.” Nhà thơ Huy Cận cũng từng nói như thế:
“Một chiếc linh hồn nhỏ
Mang mang thiên cổ sầu
Những nàng tiên dần chết
Mơ mộng thuở xưa đâu”
(Trích “Ê chề” – Huy Cận)
Tôi không cảm nhận cái “ê-chề” như Huy Cận, mặc dù đời tôi cũng lắm ê-chề, nhưng tôi thấy như đâu đó, trong tận đáy lòng tôi, “linh hồn nhỏ” của người tôi yêu dấu, hình như một nửa còn đó, và một nửa đi vào cõi thiên thai, để lại cho tôi một mối sầu thiên cổ, không thể nào nguôi ngoai. Tôi sẽ ôm cái sầu đó mà đi, biết đâu, để trái tim tôi hóa đá, như trái tim của Trương Chi vậy!
Tôi buồn mà không bi lụy! Bởi vì còn thở là người đời vẫn phải đi. Đi đâu? Thậm chí, như Đinh Hùng, “Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu!”
Thành ra, người đời đi thì cứ đi, sống thì phải sống, và tôi vẫn phải viết. Nó như là hơi thở vậy. Và bây giờ, trước một mối sầu thiên cổ, tôi lại nói về “Cõi âm trong thơ”.
Có lẽ người Trung Hoa làm thơ ma trước ta khá lâu. Đời nhà Thanh, khi Bồ Tùng Linh viết “Liêu Trai Chí Dị” (1), có Vương Ngư Dương đề thơ như sau:
“Cô vọng ngôn chi, cô thính chi
Đậu bằng qua giá, vũ như ti
Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ
Ái thính thu phần quỷ xướng thi
(Vương Ngư Dương)
Tản Đà dịch như sau:
“Nói láo mà chơi, nghe láo chơi
Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi
Chuyện đời chán hẳn, không thèm nhắc
Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời!”
Đào Trinh Nhất dịch như sau:
“Cứ nói tràn, cứ nghe tràn
Đêm mưa thánh thót trên giàn đậu dưa
Chuyện đời đã ngán xưa giờ
Thích nghe ma quỉ dưới mồ ngâm thơ!
Việt Nam, khoảng giữa thế kỷ 20, có một người làm thơ nổi tiếng rất “liêu trai”, có một tập thơ nghe rờn rợn, đó là tập “Mê Hồn Ca”. Thơ ma của ông, Đinh Hùng, có bài sau đây hay nhứt:
Bài thơ chiêu niệm
Trời cuối thu rồi em ở đâu
Nằm trong đất lạnh chắc em sầu
Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu!
Em mộng về đâu!?
Em mất về đâu!?
Từng đêm tôi nguyện, tôi cầu
Ấy mầu sương khói là mầu mắt xưa
Em đã về chưa?
Em sắp về chưa?
Trăng sao tắt ngọn đèn mờ
Ta nằm nhỏ lệ, khóc thơ gọi hồn
Thần chết cười trong bộ ngực điên
Ta nghe em thở tiếng ưu phiền
Nắm xương khô lạnh còn ân ái
Bộ ngực bi thương vẫn rợn tình
Hỡi hồn tuyết trinh!
Hỡi người tuyết trinh!
Nghe ta em thoát thân hình
Nhập hồn cây cỏ đa tình mỗi đêm
… … …
Các thi sĩ ta xưa nay chưa ai viết về thơ ma ghê rợn như ông. Ma đang ngũ trong nấm mồ lạnh lẽo, ông biểu đánh thức ma dậy để ông vào thăm nói chuyện chơi. Ông không chơi với ma đói, ma khát, ma què, ma chết trận chết đường, mà chỉ chơi với ma con gái, ma đẹp; hèn chi trong “Liêu Trai Chí Dị”, hồ ly hiện hình là biến thành một cô gái dung nhan mỹ miều để mê hoặc những người dại gái. Trong “bộ ngực vẫn rợn tình” của cô gái Liêu Trai là tiếng cười của thần chết.
Cả hai tập thơ của ông “Mê Hồn Ca” in năm 1954 và “Đường Vào Tình Sử” in năm 1961, tập nào cũng phảng phất ma quỉ ghê rợn, ai nhát gan không nên đọc một mình lúc đêm khuya:
“.. .. .. .. .. ..
Nếp nhàu vai áo sang thu
Xin em đừng khóc gối mưa giận hờn!
Gầy hao lửa nến linh hồn
Nhìn gương sợ bóng cô đơn lạ người
Giật mình biến động mù khơi
Gió mưa chợt vắng tiếng đời xót thương
Tượng sầu nguyện khói pha sương
Dỡ vuông khăn liệm, mùi hương còn nồng
(Nếp áo sang thu, Đinh Hùng)
“Rời tay nhịp phách đoạn trường
Hồn đêm nay thấm mùi hương năm nào?
Sầu che nửa mặt chiêm bao
Dòng mưa thu lệ chìm vào phấn son
Nét mày cong vút núi non
Mênh mông xiêm trắng linh hồn vào thu
(Vào Thu, Đinh Hùng)
“Nắng trôi vàng chảy về đâu
Hôm nay mới thực bắt đầu vào thu
Chiều xanh trắng bóng mây xưa
Mây năm xưa đã phiêu du trở về
Rung lòng dưới bước em đi
Lá vàng gợi lại phân ly mất rồi
Trời hồng chắc má em tươi
Nước trong chắc miệng em cười thêm xinh
Em đi, hoài cảm một mình
Hai lòng riêng để mối tình cô đơn
Hôm nay tưởng mắt em buồn
Đã trông thấp thoáng
ngọn cồn bóng sương
Lạnh lùng chăng gió tha phương
Em về bên ấy ai thương em cùng?
(Bài hát vào thu, Đinh Hùng)
Cả mấy bài nói trên của Đinh Hùng, chỉ có bài “Bài thơ Chiêu Niệm” là hay, ý tưởng mới lạ và nồng nàn. Các bài Khác nặng tính chơi chữ, dùng chữ thật kêu nhưng ý tưởng chẳng có gì mới mẻ Khác lạ cả. Chỉ được có một câu hay: “Nắng trôi vàng chảy về đâu?” Nắng như một chất lỏng màu vàng trôi trên mặt đất không biết chảy về đâu? Còn những ý như lá vàng, phân ly là những ý xưa nay vẫn có.
Hai đoạn trích trước mang vẽ liêu trai, đó là nét đặc biệt trong thơ Đinh Hùng. Ngọn lửa nến hiu hắt, hao gầy, vàng vọt, như ẩn hiện linh hồn người chết đâu đó. Khăn vuông đã liệm mặt, thân thể đã lạnh giá mà mùi hương hình như vẫn còn nồng, “Giở vuông khăn liệm mùi hương còn nồng”. Cũng mùi hương đó Đinh Hùng nhắc lại trong bài sau: “Hồn đêm nay thấm mùi hương năm nào?”
Người chết đã mấy năm còn mùi hương, ấy là linh hồn còn quanh quất đâu đó, chưa chịu đi xa. Nét lông mày cong vút như núi, nói như thế thì cũng như Nguyễn Du tả “Làn thu thủy, nét xuân sơn”.
Thực ra, trước Đinh Hùng, Chế Lan Viên cũng đã nói tới ma: “Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi”. Hời là người Chàm, nhưng ý tưởng của Chế Lan Viên không ghê rợn, “liêu trai”, kinh dị như trong thơ Đinh Hùng. (Đinh Hùng là đệ tử của nàng tiên nâu, trên hương án có đặt một cái đầu lâu khi nào cũng khói hương nghi ngút).
Theo quan điểm của người xưa thì khi xuân tới là dương bắt đầu thịnh, âm suy dần. Tới mùa thu thì ngược lại, dần dần âm thịnh dương suy.
Rằm tháng bảy có lễ Mục Kiền Liên báo hiếu cho mẹ, Phật tử gọi là “Mùa Báo Hiếu”. Rằm tháng Bảy, người Việt cũng có tục cúng cô hồn. Hôm ấy, những ai đã chết rồi đều được xá tội (xá tội vong nhân), cửa địa ngục mở ra để những linh hồn bị giam giữ được lên dương gian kiếm ăn. Ngoài ra, những người Vô danh, vị quốc vong thân, những người chết bất đắc kỳ tử, chết đường chết chợ, chết oan ức và những linh hồn không có con cháu thờ phượng đều tụ họp nhau lại trên dương thế. Đình chùa miếu mạo và nhà tư nhân đều cúng vong. Có nơi làm lễ lớn, gọi là cúng “trận vong tướng sĩ”, hay “tế thập loại chúng sinh”, những người hay chữ, thường viết các bài văn tế. Sau đây là một đoạn trong “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” của Nguyễn Du:
“Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều thu
Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng
Đường bạch dương bóng chiều man mác
Dặm đường lê lác đác mưa sa
Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm!”
Ông Phan Huy Tiến (Vịnh?) cũng có một bài văn tế tướng sĩ rằm tháng bảy, xin trích vài câu:
“Gươm Linh Bảo mười năm sẵn có
Đấng anh hùng mưa gió chưa thôi
Dám nhung trận một phút như không
Con tạo hóa ghét chi lắm thế
Nhớ tôn linh xưa
Hào kiệt ấy tài
Kinh luân là chí
Nặng vai nửa gánh giang sơn
Chắp cánh bốn phương hồ thỉ
Quốc bộ gặp cơn binh bách
Phép nhung bào từng lắm trận uy linh
Thiên tài mong học chước Vệ Hầu,
Chế pháo đạn biết bao chừng cơ trí
Thà chết mà trọn tay địch khái
về theo tổ phụ cùng vinh
Kìa sống như mấy mặt hàng thần,
ở lại giang sơn thêm bẽ
(Phan Huy Tiến)
Trong cuộc chiến tranh chống Pháp giành độc lập và trong cuộc Nam Bắc nội chiến ở nước ta, biết bao người vì nước quên mình, hy sinh một cách anh dũng. Cho đến những ngày cuối cùng của cuộc tương tàn cũng có biết bao người không chịu nhục, noi gương Võ Tánh, Ngô Tùng Chu, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu. Làm tướng thành mất thì chết theo thành. Đó là các bậc anh hùng Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ, bên văn cũng có Trần Chánh Thành quyên sinh. Còn hàng trăm người Khác nữa, không sống nhục trong ngày quốc hận.
Than ôi! Tháng bảy mưa dầm sùi sụt, các vị anh hùng ấy, ngày nay linh hồn siêu thoát về đâu? Thân xác về đâu? Chỉ còn lại đây là những xót xa của người vọng quốc.
Ba mươi năm nội chiến, hàng triệu người hy sinh, chết oan. Sau nầy, dân tộc chúng ta nên chọn một ngày quốc lễ, ngày rằm tháng Bảy, để tưởng nhớ chung cho tất cả những người đã mất trong cuộc tương tàn!
(1) Bồ Tùng Linh muốn chống nhà Thanh, nhưng bấy giờ phe “Phản Thanh Phục Minh” thế cùng lực kiệt, nên chẳng làm được gì nữa. Bồ Tùng Linh bèn mượn chuyện ma để viết “Liêu Trai Chí Dị”, phản đối nhà Thanh một cách tiêu cực. Người Trung Hoa thường tự hào về dân tộc họ, nhưng trong lịch sử Trung Hoa, hai lần họ bị ngoại thích cai trị (không phải là người Hán) một lần nhà Nguyên (Mông Cổ), một lần nhà Thanh (người Mãn Châu) cai trị hằng mấy trăm năm mà đành chịu im.
Đã xem 15575 lần